Phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương theo hướng bền vững

10:49, 15/12/2016

Được tỉnh quy hoạch là vùng chè an toàn của tỉnh giai đoạn 2011-2020, vùng chè đặc sản Tân chương có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển thương hiệu. Tuy nhiên hiện nay, vùng chè này vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.

Là cây đặc sản chiến lược của T.P Thái Nguyên, hơn 20 năm trở lại đây, cây chè không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn mang tính văn hoá xã hội sâu sắc, tạo việc cho hàng chục nghìn lao động của địa phương. Hiện nay, T.P Thái Nguyên có trên 1.500ha chè, sản lượng đạt khoảng 18 nghìn tấn; giá trị sản phẩm bình quân đạt 175 triệu đồng/ha/năm, được trồng chủ yếu ở 6 xã thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương là Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà.

 

Với mục tiêu phát triển thương hiệu “Chè đặc sản Tân Cương, vùng sản xuất chè an toàn”, 5 năm qua, thành phố đã hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung, gắn công nghiệp chế biến với các sản phẩm trà nổi tiếng của địa phương; hỗ trợ kinh phí mua máy móc phục vụ chế biến, phun tưới chè; khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn... Nhờ đó, các sản phẩm trà của địa phương ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đến nay, thành phố đã có 9 mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác của các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương được chứng nhận sản xuất an toàn với diện tích khoảng 110ha cho gần 300 hộ nông dân. Trong đó có 42ha được cấp chứng nhận an toàn Utz Certified; 68 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Anh Lê Văn Thành, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Đầu ra cho sản phẩm chè an toàn rất thuận lợi. Trung bình giá bán mỗi kg chè búp khô dao động từ 300 đến 350 nghìn đồng, cao hơn sản phẩm chè sản xuất theo phương thức truyền thống khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/kg. Nhiều loại chè đặc sản của chúng tôi còn bán được với giá từ 1 đến 3 triệu đồng/kg.

 

Mặc dù đã tạo dựng được biết đến là vùng “Đệ nhất danh trà” nhưng vùng chè Tân Cương vẫn đang gặp không ít khó khăn khi chưa xây dựng xây dựng được nhiều thương hiệu trà nổi tiếng. Đặc biệt, khối lượng chè an toàn của vùng chè đặc sản này vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Thịnh, hộ dân sản xuất chè ở xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu cho hay: Nhiều hộ sản xuất chè ở đây chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến chè nên năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả kinh tế đạt được chưa cao. Bởi thế, đời sống của người trồng chè chúng tôi vẫn còn khó khăn lắm!

 

Tiếng là vùng chè đặc sản nổi tiếng của cả nước nhưng hiện nay, nơi này chưa hình thành được vùng nguyên liệu lớn. Người dân ở đây vẫn chế biến chè theo phương thức thủ công, sản phẩm chè chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng chè búp khô, bán tại chợ địa phương. Tình trạng người dân lạm dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất chè vẫn còn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thương hiệu trà của vùng chè đặc sản Tân Cương. Trong khi đó, thành phố lại chưa hình thành được hệ thống quản lý chất lượng chè nên gây khó khăn trong việc kiểm tra, định giá chất lượng chè. Thêm vào đó, việc tổ chức quản lý vùng chè theo quy hoạch trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được mốc chỉ giới vùng quy hoạch. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc bảo vệ diện tích vùng chè đặc sản gặp nhiều khó khăn. Nhất là tình trạng một số dự án của các doanh nghiệp được xây dựng và triển khai trên đất trồng chè hoặc gần khu vực trồng chè đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm chè Tân Cương…

 

Không chỉ được xem là một biểu tượng văn hoá đẹp của vùng đất Tân Cương, cây chè còn mở ra cho miền quê này nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế. Vì lẽ đó, để vùng chè đặc sản Tân Cương phát triển bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ xác định rõ chỉ giới vùng quy hoạch và phát triển hạ tầng vùng quy hoạch; tập trung phát triển diện tích chè an toàn; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy sản xuất chè theo hướng hiện đại, mang tính hàng hoá lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, chế biến và sử dụng sản phẩm chè an toàn, về thương hiệu và phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè… Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách tập trung vào các mục tiêu liên kết các doanh nghiệp, HTX chè với nông dân trong sản xuất nguyên liệu; gắn lợi ích người trồng chè với doanhh nghiệp; thực hành sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cải thiện điều kiện thu hái đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời khuyến khích nông dân trồng chè tham gia vào các HTX trên địa bàn thành phố để sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tập trung… Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với giồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm sinh học dùng cho cây chè; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm chè; hỗ trợ xây dựng mạng lưới bảo vệ thực vật và phát triển mô hình dịch vụ bảo vệ thực vật đến tận cơ sở để tham gia nhiệm vụ quản lý và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả…