Quản lý hiệu quả diện tích rừng được giao

10:21, 05/12/2016

Sau khi được tỉnh giao lại một phần diện tích đất rừng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Võ Nhai (viết tắt là Công ty Lâm nghiệp), các cấp chính quyền của huyện Võ Nhai đã tích cực rà soát để giao lại cho các hộ dân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất. Việc làm này góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại những vùng còn nhiều khó khăn của địa phương phát triển.

Diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai quản lý là hơn 1.300ha, thuộc địa bàn 2 xã Dân Tiến và Tràng Xá. Trong đó, tại xã Dân Tiến có hơn 1.000ha, còn lại là ở xã Tràng Xá. Từ năm 2000, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên phần diện tích 1.300ha rừng của doanh nghiệp này không còn hiệu quả, đời sống của cán bộ, công nhân không được bảo đảm. Do vậy, phần lớn diện tích rừng đã được Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai giao khoán cho người dân trồng rừng.

 

Trước tình trạng hoạt động kém hiệu quả của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai, ngày 17-9-2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1810/QĐ-UBND về việc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp của Công ty tại 2 xã Dân Tiến, Tràng Xá để giao cho UBND huyện quản lý. Sau khi nhận bàn giao, UBND huyện Võ Nhai đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh để xây dựng phương án sử dụng đất, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.

 

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi có quyết định của tỉnh giao lại diện tích đất rừng cho địa phương quản lý, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các xã tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ giao khoán của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai để làm căn cứ xác định, đo đạc ranh giới lô, khoảnh rừng  giao lại cho các hộ dân phát triển rừng sản xuất. Đến nay, tại xã Dân Tiến đã có 600 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn gần 150 hộ do bị nhầm lẫn tên tuổi nên đề nghị được cấp lại. Đối với diện tích rừng tại xã Tràng Xá hiện vẫn chưa hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân do còn vướng mắc về hợp đồng giao khoán trước đây và trong diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai quản lý có Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh. Vì vậy, huyện Võ Nhai đang tích cực hoàn thiện việc quy hoạch, xây dựng xong Khu di tích để giao cho một đơn vị quản lý nhất định. Sau đó, huyện sẽ giao cho người dân quản lý một số diện tích đất lâm nghiệp dựa trên các hợp đồng giao khoán với Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai…

 

Tại xã Dân Tiến, diện tích rừng của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai thuộc 3 xóm Làng Mười, Làng Chẽ và Đồng Quán, trong đó có gần 700ha thuộc xóm Làng Mười. Hiện tại, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai ở đây đã được giao cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thiện, một người dân xóm Làng Mười cho biết: Từ khi được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, gia đình tôi tiến hành trồng rừng, đến nay, rừng đã sắp được cho khai thác. Nếu như trồng giao khoán như trước kia thì không thể phát triển được kinh tế, bởi trồng khoán mình chỉ được hưởng lợi 40% khi khai thác và 3 năm đầu được hỗ trợ gạo. Ở Làng Mười, 70% các hộ dân sống dựa vào trồng rừng, hộ nhiều nhất là khoảng 20ha, hộ ít nhất cũng khoảng 3ha. Mặc dù được trồng khoán cho Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai nhưng đời sống không bảo đảm nên việc quản lý, bảo vệ của các hộ dân không được chặt chẽ, rừng thường xuyên bị cháy hoặc chặt trộm. Còn ông Triệu Văn Hiền, Trưởng xóm Làng Mười chia sẻ: Trong xóm có 174 hộ dân, với 80% là đồng bào dân tộc Dao, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng rừng. Từ khi các hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, việc quản lý, phát triển rừng ở đây rất tốt. Tuy nhiên, do  giao thông vào xóm vẫn còn khó khăn nên người trồng rừng thường bị thương lái ép giá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng khoảng 5km đường từ xóm Thịnh Khánh vào đến xóm để giá trị kinh tế đem lại từ rừng lớn hơn...

 

Việc huyện Võ Nhai khẩn trương giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân quản lý sau khi Công ty Lâm nghiệp huyện hoạt động kém hiệu quả đã góp phần bảo vệ, quản lý và phát triển rừng hiệu quả hơn. Đây cũng là việc làm cần thiết để người dân ở những khu vực có rừng sản xuất được hưởng lợi thực sự từ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.