Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Còn nhiều bất cập

16:57, 07/12/2016

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chưa có các lò giết mổ tập trung với quy mô lớn mà đa phần đều là cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Luật Thú y (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định: Việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y; trừ trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có cơ sở giết mổ tập trung, mới cho phép được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và do UBND cấp xã quản lý.    

Dạo quanh các chợ đầu mối như: chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh ở ngay gần đường. Mỗi điểm thường có 1 nồi nước sôi để dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt và 1, 2 chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Xung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải của gia cầm lênh láng, bốc mùi hôi thối. Các loại chậu, nồi... bám đầy lông gà, lông vịt ngổn ngang.

 

Điểm giết mổ gia cầm của chị Đặng Thị Thủy, ở đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) mỗi ngày giết mổ trên 40 con gà, vịt các loại cho khách với giá 10 nghìn đồng/1 con gà và 20 nghìn đồng/1 con vịt, ngan. Chị Thủy cho biết: Tôi mua gà của người chăn nuôi để bán và thịt cho khách. Ngoài ra, tôi cũng nhận thịt thuê cho các hộ khác mang đến. Nhiều người dân tiếc của không nỡ vứt đi nên gia cầm ốm hay mắc bệnh cũng yêu cầu tôi thịt để sử dụng. Làm nghề này nhiều năm vì miếng cơm, manh áo chứ tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy vì sợ nhiễm các loại dịch bệnh từ gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Tại tầng hầm chợ Thái, chợ Túc Duyên và trên một số tuyến đường cũng xuất hiện các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tương tự. Do giết mổ thủ công, tạm bợ, nên toàn bộ nước thải ở đây xả trực tiếp xuống cống, rãnh xung quanh. Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường do rác thải ra từ quá trình giết mổ, người giết mổ cũng có nguy cơ mắc các bệnh từ gia cầm do nguồn gốc gia cầm không đảm bảo. Quan sát chúng tôi thấy, hoạt động giết mổ tự phát rất khó bảo đảm vệ sinh cũng như công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, người tiêu dùng lại tin tưởng gà, vịt sống được giết mổ ngay tại chỗ vẫn an toàn hơn là mua gà, vịt được bày bán sẵn tại chợ.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y, việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hiện được thực hiện theo 3 quy trình. Tại các cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ, nhân viên thú y địa bàn sẽ kiểm tra gia súc, gia cầm trước khi được đưa vào cơ sở giết mổ. Sau khi giết mổ, nhân viên thú y kiểm tra phụ tạng, nếu đảm bảo sẽ đóng dấu kiểm dịch; đồng thời, tiến hành phúc kiểm tại các chợ. Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc thường được thực hiện vào ban đêm nên việc kiểm soát là không xuể. Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở khu dân cư hoạt động không có giấy phép đăng ký kinh doanh thì lực lượng thú y cơ sở hầu như chưa kiểm soát được. Ngoài ra, các cơ sở này không đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 

Trong khi đó, một số cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng đang bị bỏ hoang, gây nhiều lãng phí. Đơn cử như cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây, tại xã Xuân Phương (Phú Bình) sau 1 thời gian đi vào sản xuất hiện nay đã dừng hoạt động. Hay như Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý III năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng.

 

Trước thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng các lò mổ tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các cơ sở giết mổ này hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ kinh doanh gia cầm tại các chợ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng gia cầm giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ.