Hiện nay, trên thị trường nhiều nơi đang bày bán bột trà xanh bởi đây là sản phẩm đa công dụng, có thể dùng để uống hoặc chăm sóc da. Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Tô Văn Khiêm, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã nghiên cứu, tìm tòi và sản xuất thành công bột trà xanh bằng chính nguyên liệu chè an toàn của gia đình.
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trên thị trường đã xuất hiện nhiều nơi quảng cáo, bày bán sản phẩm bột trà xanh. Sản phẩm này có thể dùng pha uống như chè búp thông thường, hoặc có thể pha trộn với các sản phẩm dưỡng da khác để đắp mặt, chăm dóc da. Từ những công dụng đó, qua những chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở Lâm Đồng, Sơn La, anh Khiêm đã nảy sinh ý định làm bột trà xanh tại quê hương mình. Nghĩ là làm, năm 2015, anh Khiêm bắt đầu nghiên cứu sách báo, mạng internet tìm hiểu quy trình làm bột trà xanh. Qua quá trình tìm hiểu, anh thấy nhiều nơi dùng nguyên liệu là lá chè xanh để chế biến. Với suy nghĩ sẽ sản xuất ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, khác biệt với nhiều nơi, đồng thời phải đảm bảo an toàn thực phẩm, anh Khiêm đã dùng ngay nguồn nguyên liệu của gia đình là chè an toàn trồng theo quy trình VietGAP, thu hái theo kỹ thuật 1 tôm, hai lá để sản xuất.
Khi mới bắt tay vào thực hiện, anh Khiêm đã gặp không ít khó khăn vì giá máy xay trên thị trường bán khá cao, từ 145-160 triệu đồng/chiếc, trong khi dùng máy nghiền bột thủ công để làm thì sản phẩm chè chuyển màu đen, không có mùi thơm. Không nản lòng, sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, anh Khiêm đã thử nghiệm xay bột trà bằng cối đá. Mặc dù, mỗi ngày chỉ xay được khoảng 4kg nhưng bột trà nhỏ mịn, giữ được độ tinh khiết, có màu xanh và mùi thơm cuốn hút nên anh đã lắp thêm mô tơ để giảm công lao động.
Nói về nguyên nhân khiến anh Khiêm dùng sản phẩm chè an toàn của gia đình làm nguyên liệu sản xuất bột trà xanh, thay thế cho lá chè như trên thị trường sản xuất, Anh Khiêm cho biết: Tôi quan niệm phải sản xuất sản phẩm tuyệt đối an toàn. Trong quy trình làm, tôi thực hiện thêm công đoạn trần nguyên liệu nhằm diệt một số sâu bệnh trên búp chè. Đây là điểm khác biệt giữa bột trà xanh của gia đình tôi so với sản phẩm trên thị trường. Nguyên liệu khi thu hái về phải được rửa sạch, đưa vào trần nước sôi và làm lạnh qua nước đá, để ráo nước mới đưa vào sấy bằng tôn quay innox ở nhiệt độ thích hợp và cho ra nghiền bằng cối đá.
Sau một năm thử nghiệm và cũng đã trải qua nhiều lần thất bại, đến tháng 8 vừa qua, anh Khiêm mới sản xuất thành công mẻ bột trà xanh đầu tiên. Ngay sau đó, sản phẩm bột trà xanh của anh đã được bà con trong xóm, chính quyền xã và tỉnh lựa chọn tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm du lịch Hà Nội - Việt Nam năm 2016 tại Hà Nội. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, gia đình anh sản xuất được từ 30-40kg bột trà xanh xuất bán cho các khách hàng đặt trước ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Bột trà xanh của gia đình anh bán với giá 600 nghìn đồng/kg. Anh Khiêm cho biết: Bột trà xanh có rất nhiều công dụng như chống lão hoá, giải độc gan, ngăn ngừa ung thư, giảm cân, bổ sung năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch… Hơn nữa, nếu tính về kinh tế, làm bột trà xanh thu lợi nhuận nhiều hơn so với sản xuất chè búp thông thường. Cứ khoảng 7,5kg chè búp tươi sẽ làm ra được 1kg bột trà xanh và bán với giá 600 nghìn đồng/kg. Còn làm 1kg chè búp khô thông thường chỉ mất khoảng 5kg chè búp tươi nhưng giá bán chỉ được khoảng 250 nghìn đồng/kg, nếu dùng hết 7,5kg chè búp tươi sẽ làm ra khoảng 1,5kg chè búp khô, tính bán với giá 250 nghìn đồng cũng chỉ thu được khoảng 370 nghìn đồng, thấp hơn 230 nghìn đồng/kg so với làm bột trà xanh.
Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Anh Khiêm là người đầu tiên trên địa bàn xã sản xuất thành công bột trà xanh, đặc biệt nguyên liệu làm là chè của chính gia đình được sản xuất theo quy trình VietGap. Do đó, khi sản phẩm giới thiệu ra thị trường đã có rất nhiều khách hàng đăng ký mua kinh doanh lâu dài. Tôi hy vọng, thời gian tới, quy trình này được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương.
Khi được hỏi về việc sẽ chia sẻ cách làm bột trà xanh cho bà con trong xóm, anh Khiêm cho biết: Tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn cho người dân trong xóm cách làm bột trà xanh, tuy nhiên, với địa phương đây là cách làm mới, công dụng của nó chưa nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ thời gian đầu sẽ không dễ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng, đồng thời quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.