Siết chặt quản lý thuế đối với xăng, dầu

07:32, 13/12/2016

Xăng, dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu, có lượng tiêu thụ lớn nên dễ bị gian lận. Điều này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh, làm thất thu ngân sách Nhà nước, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Để giải quyết tình trạng đó, bắt đầu từ năm 2017, tỉnh ta sẽ áp dụng việc dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu theo Đề án tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn của UBND tỉnh.

Theo ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Đề án 3013) - thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu. Trước hết là do phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua đều không lấy hóa đơn nên lượng xăng, dầu này có thể được chuyển hóa thành hóa đơn cung cấp cho các cơ sở kinh doanh khác để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm tăng số thuế GTGT được hoàn hoặc giảm số thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp. Một số cơ sở nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế. Tại thời điểm Nhà nước quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu giao dịch mua bán trên thị trường, cơ quan thuế các cấp chưa phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng để kiểm tra, so sánh giữa lượng hàng tồn kho thực tế với sổ sách kế toán nhằm đề ra biện pháp chống thất thu thuế do thay đổi về giá bán xăng, dầu. Cùng với đó, mặc dù công tác quản lý thuế đã có nhiều cố gắng nhưng trong thực tế lâu nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều biện pháp quản lý hữu hiệu để đưa hoạt động này vào nền nếp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để tăng cường quản lý thu thuế nên vẫn còn tình trạng thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

 

Để khắc phục tình trạng này, việc thực hiện Đề án 3013 với cách thức dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu được cho là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, việc dán tem này nhằm xác định các chỉ số đầu kỳ, cuối kỳ để tính toán sản lượng xăng, dầu xuất bán. Hàng tháng, quý, cán bộ ngành Thuế sẽ đến các cơ sở này ghi chỉ số đang thể hiện trên công tơ tổng, để đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu; xử lý đối với các trường hợp có tác động chủ quan làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng, dẫn đến sai lệch số xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ. Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu xét thấy cần phải kiểm tra lượng xăng, dầu tồn kho thực tế để có cơ sở xác định tính trung thực của hồ sơ khai thuế thì cơ quan Thuế sẽ tiến hành kiểm kê xăng, dầu tại cơ sở kinh doanh. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm tự ghi chép đầy đủ nội dung sổ nhật ký theo dõi sử dụng phương tiện đo xăng, dầu mỗi khi tự kiểm tra hoặc khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xác nhận tình trạng hoạt động của cột đo xăng, dầu; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát sinh việc hư hỏng công tơ tổng. Đối với những cột đo xăng, dầu hoặc các bộ phận máy móc liên quan phải sửa chữa mà cần phải bóc tem niêm phong đều phải thông báo với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cơ quan Thuế để được giải quyết. Nếu cơ sở nào tự ý bóc dỡ tem niêm phong hoặc làm rách sẽ bị xử lý theo quy định của ngành chuyên môn và ấn định thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.

 

Cũng theo ông Phạm Văn Chức, một trong những yêu cầu bắt buộc khi triển khai Đề án là không gây phiền hà hay làm ảnh hưởng đến hoạt động của người nộp thuế; đồng thời đảm bảo được tính khách quan, minh bạch và công bằng.

 

Đánh giá về việc Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Hồng Tuân, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu thuộc Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn (Đồng Hỷ) - đơn vị nhiều năm liền được Công ty Xăng dầu Bắc Thái trao tặng danh hiệu đại lý xuất sắc nhất năm - cho rằng: Việc siết chặt quản lý đối với mặt hàng này là rất cần thiết, bởi việc dán tem này sẽ không chỉ thu được tiền thuế giá trị gia tăng mà còn thu được cả nhiều loại thuế khác trước đó như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Vì thế, sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời giúp hạn chế được tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” ở nhiều cửa hàng nhằm hưởng mức hoa hồng cao hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, ông Tuân cũng đặt ra một số băn khoăn về việc làm thế nào để không xảy ra tiêu cực giữa cán bộ thực hiện nhiệm vụ dán tem với cơ sở kinh doanh xăng, dầu?

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Tâm, ở tổ 16, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thì đây là việc mà lẽ ra tỉnh cần phải làm từ lâu để người dân không bị mua phải những loại xăng dầu không rõ nguồn gốc hoặc mua phải loại xăng có chất lượng không đúng với giá trị thực. Bà Tâm cho rằng, bấy lâu nay, bà thường chỉ dám đổ xăng ở những chỗ quen biết hoặc của các cửa hàng có uy tín thì nay có thể yên tâm khi mua xăng, dầu ở bất cứ cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào có cột bơm xăng…

 

Chiều 12-12-2016, Ban Chỉ đạo Đề án 3013 của tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai và thí điểm dán tem niêm phong công tơ tổng tại Công ty Xăng dầu Bắc Thái. Tiếp đó, ngày 14-12, Ban Chỉ đạo Đề án sẽ triển khai đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh nhằm công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án; phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu của Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời giải đáp những ý kiến thắc mắc của các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về các vấn đề có liên quan (nếu có). Từ ngày 15-12, 4 đoàn liên ngành thực hiện Đề án sẽ bắt đầu thực hiện việc dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu của 210 cửa hàng của các cơ sở kinh doanh trên toàn tỉnh và hoàn thành việc này trước ngày 31-12-2016.