Tăng cường phối hợp phòng chống buôn lậu, hàng giả

07:40, 28/12/2016

Thành phố Thái Nguyên là nơi tập trung khá đông hộ sản xuất, kinh doanh, các hoạt động buôn bán hàng cấm, nhập lậu khó kiểm soát, vì vậy, Đội quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã có nhiều biện pháp tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả…

Thành phố Thái Nguyên hiện có 20 siêu thị, 95 cửa hàng tự chọn, trên 1.300 hộ kinh doanh, trên 300 doanh nghiệp. Mặc dù các cơ quan chức năng không ngừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng tình trạng buôn lậu, hàng cấm trên khâu lưu thông và địa bàn cố định chưa được ngăn chặn; tình trạng kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, khó lường… Hàng hóa đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, người tiêu dùng khó phận biệt được hàng thật, giả, kém chất lượng nên một số hộ kinh doanh vẫn trà trộn đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng vào bán kiếm lời. Trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc phối hợp cung cấp thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đối với cơ quan chức năng chưa thường xuyên.

 

Xác định công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả (GLTM,BL,HG) là nhiệm vụ hàng đầu, năm qua, Đội QLTT Thành phố đã tăng cường nhiều biện pháp, kiểm tra, kiểm soát, trong đó luôn coi trọng công tác phối hợp với các lực lượng chức năng và xin ý kiến chỉ đạo của Chi cục QLTT để xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp. Trong đó phải kể đến vụ của ông Trần Lưu Lương ở xã Thịnh Đức, qua công tác điều tra, trinh sát, nắm bắt thông tin ngày 21-1-2016, Đội đã tiến hành kiểm tra trên xe ô tô mang biển kiểm soát 29L-7588 vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Đội đã báo cáo với Chi cục QLTT tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý lô hàng trên.

 

Đặc biệt, trong năm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được xã hội quan tâm và các cấp chỉ đạo nên Đội QLTT thành phố đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên lĩnh vực này. Qua đó đã phát hiện và xử lý 63 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, bằng 188% so với cùng kỳ năm 2015; riêng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Đội đã phát hiện 1 vụ vận chuyển 260 kg nội tạng lợn đã ôi thiu đang đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, Đội thường xuyên cử cán bộ xuống các địa bàn nắm thông tin về thị trường, kịp thời báo cáo cấp trên; phối hợp với UBND các phường, xã tiến hành kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh. Trong năm, Đội đã xử lý 23 vụ kinh doanh hàng giả; 18 vụ vi phạm về chất lượng; 13 vụ kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, chủ yếu là giầy dép, nước ngọt, sữa hộp, sữa tươi, cà phê, bánh kẹo.

 

Nhằm tuyên tuyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, Đội QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng như: Y tế, Viện kiểm sát, Công an, các cơ quan thông tin trên địa bàn tổ chức 2 đợt tiêu hủy hàng hóa do vi phạm hành chính như: quần áo, giầy dép, đồng hồ, mũ bảo hiểm, rượu các loại, thuốc lá do nước ngoài sản xuất và nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng tiêu hủy trên 307 triệu đồng. Nhờ vậy, tình trạng buôn bán hàng giảm, hàng kém chất lượng đã có xu hướng giảm. Không chỉ kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, Đội còn quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

 

Thời điểm này, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, các hoạt động buôn bán hàng cấm, nhập lậu gia tăng nên khó kiểm soát. Vì vậy, Đội QLTT thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Chi cục QLTT và cấp, ngành chức năng chỉ đạo các tổ công tác tăng cường công tác nắm bắt tình hình; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trong đó tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng.