Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 70 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (như sản xuất, chế biến, kinh doanh chè; chăn nuôi; kinh doanh nấm, dược liệu; sản xuất rau, hoa…) đã đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng các HTX nông nghiệp vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần có những giải pháp thích hợp, hiệu quả.
Nằm trong vùng chè đặc sản, HTX Chè Thịnh An, xóm Liên Cơ, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được thành lập với mục tiêu đưa sản phẩm chè nơi đây đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân về việc sản xuất chè bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Thịnh An: Tuy mới đi vào hoạt động được 9 tháng nhưng sản phẩm chè của HTX đã được đăng ký mã số, mã vạch, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, qua đó giúp cho HTX hoạt động ổn định.
Không chỉ riêng HTX Chè Thịnh An mà hầu hết các HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đều chủ động xây dựng thương hiệu, logo sản phẩm cũng như áp dụng các quy trình khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến chè bảo đảm theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh với các sản phẩm, thương hiệu chè ở các tỉnh bạn. Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 20 HTX sản xuất, chế biến chè và 40 HTX, tổ hợp tác có kinh doanh hay hoạt động thương mại về chè. Đây là nhóm HTX hoạt động có hiệu quả nhất trong tất cả các loại hình HTX trên địa bàn tỉnh, với số lượng các HTX thành lập mới liên tục tăng (bình quân từ 3-5 HTX/năm).
Mặc dù có nhiều lợi thế trong sản xuất, chế biến và kinh doanh chè (như: nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm; được hưởng lợi từ nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước) nhưng các HTX hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô của các HTX còn nhỏ lẻ, nguồn vốn lưu động ít; chưa có nhiều hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với nhau. Tương tự, các HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó khăn do giá con giống, thức ăn chăn nuôi... liên tục tăng, trong khi giá sản phẩm bán ra không tăng nên làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, nhiều HTX đã phải chuyển sang hình thức gia công cho các công ty, doanh nghiệp.
Hoặc với các HTX sản xuất, kinh doanh nấm, dược liệu, tuy có lợi thế là tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như mùn cưa và nguồn phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) để sản xuất các mặt hàng nấm ăn (nấm sò, nấm ngô, mộc nhĩ, nấm rơm…), nấm dược liệu (nấm linh chi) bảo đảm là thực phẩm sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng do quy mô còn nhỏ lẻ nên sản lượng nấm của các HTX chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đặc biệt, chất lượng nấm chưa đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu nên đầu ra của sản phẩm không ổn định. Do đó, một số HTX chỉ sản xuất nấm theo thời vụ (dịp giáp Tết Nguyên đán)…
Bà Vũ Thị Thu Hương cho rằng những khó khăn của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Để tìm hướng đi mới giúp các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, trước mắt, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật HTX năm 2012; tham mưu với UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn nhằm củng cố và thành lập mới các tổ hợp tác, HTX; làm tốt việc triển khai các hoạt động hỗ trợ HTX.
Kinh tế hợp tác được kỳ vọng là “bà đỡ” cho các hộ nông dân. Vì vậy, để các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, cùng những giải pháp trên, các cấp, ngành chức năng và người dân trong tỉnh cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể, đó là nhận thức đúng đắn về HTX nông nghiệp kiểu mới (về tính chất, mục tiêu tổ chức, quan hệ giữa HTX và thành viên, tài sản chung, phân chia lợi nhuận). Theo đó là chú trọng phát triển các HTX kiểu mới, thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các HTX kiểu mới phát triển; gắn việc chỉ đạo xây dựng HTX với chỉ đạo xây dựng nông thôn mới…