Từng bước xây dựng thương hiệu chè Văn Cường 1

16:46, 14/12/2016

Sau nhiều năm bén rễ trên mảnh đất Văn Cường 1, xã Phú Cường (Đại Từ), cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Về Văn Cường 1, chúng tôi được người dân kể cho nghe về những ngày tháng khó khăn, từ con đường vào xóm nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, đến đời sống đói nghèo của người dân nơi đây và quá trình phát triển cây chè để Văn Cường 1 được như bây giờ. Đường vào xóm đã được trải bê tông sạch sẽ, Văn Cường 1 nằm gọn trong thung lũng được bao quanh bởi những đồi chè bát úp xanh mướt, tạo nên hình ảnh một vùng quê trù phú và yên bình.

 

Theo các cụ cao tuổi trong xã, người dân ở đây trước đều là người Thái Bình lên xây dựng vùng kinh tế mới. Với điều kiện tự nhiên của xóm hầu hết là đồi núi bát úp, mưa thuận gió hòa, bà con đã chọn cây chè là cây trồng chủ lực để phát triển. Trải qua nhiều năm gắn bó với cây chè, người dân Văn Cường 1 đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm, truyền lại cho con cháu về phương thức sản xuất, chế biến chè. Cùng với những kinh nghiệm đó, những thế hệ làm chè đi sau còn kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, sử dụng các loại máy móc vào khâu sản xuất, chế biến. Từ năm 1997, người dân đã thay thế chảo gang, tôn phẳng, sao bằng tay bằng tôn quay sao chè, máy mô tơ điện vò chè… Từ đó đã tiết kiệm nhân lực, giảm công lao động, đồng thời cho hiệu quả sản xuất cao. Bên cạnh đó, người dân trong xóm đã chuyển đổi cơ cấu giống chè từ giống chè trung du sang trồng giống mới, đặc biệt là từ năm 2000, khi có chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của Nhà nước, cây chè cành năng suất, chất lượng cao đã được người dân phát triển mạnh. Đến nay, diện tích chè cành chiếm trên 60% tổng diện tích chè của xóm, năng suất chè tăng rõ rệt cùng với giá thành sản phẩm chè không ngừng tăng.

 

Nhắc đến sản phẩm chè Văn Cường 1, nhiều người tấm tắc bởi chè ở đây có vị tiền chát ngọt hậu, mùi cốm đặc trưng của chè Thái. Điều đó có được là nhờ công lao, sự khéo léo của những người làm chè ở địa phương. Ông Trần Văn Đông đã có trên 50 năm làm nghề sản xuất, chế biến chè ở Văn Cường 1, chia sẻ: Để có sản phẩm chè ngon thì giống chè phải tốt nên tôi đã phá bỏ gần hết chè trung du để trồng các giống chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1. Điều này không những cho năng suất chè cao hơn mà chất lượng chè cũng hơn hẳn. Bên cạnh đó, vấn đề sản phẩm an toàn luôn được gia đình tôi đặt hàng đầu. Vì thế, từ việc chăm sóc cây chè đến việc chế biến, tôi đều tuân thủ quy trình sản xuất chè an toàn. Ông Đặng Quốc Trị, một người dân trong xóm cho biết: Thời điểm này, chúng tôi đang tập trung thu hoạch chè Đông, đây là vụ cho thu nhập cao nhất năm, bởi giáp Tết giá chè tăng cao, trong khi đó không phải ở đâu cũng làm được chè vụ đông, phải là những nơi có nguồn nước. Hiện gia đình tôi có trên 2 mẫu chè cho thu hái quanh năm nên thu nhập rất ổn định đạt khoảng trên 120 triệu đồng/năm.

 

Hiện nay, xóm Văn Cường 1 có 117 hộ, 404 nhân khẩu, trong đó có 104 hộ làm chè với tổng diện tích chè trên 26ha. Nhờ cây chè, đời sống người dân Văn Cường 1 từ chỗ khó khăn chật vật với cái ăn, cái mặc thì nay đã khấm khá lên nhiều. Mỗi năm xóm bán ra thị trường trên 65 tấn chè búp khô, đạt doanh thu gần 7,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Đoàn Văn Phượng, Trưởng xóm Văn Cường 1 cho biết: Một niềm vui vừa đến với bà con xóm Văn Cường 1 là xóm được công nhận Làng nghề chè truyền thống. Điều này góp phần giúp người dân trong xóm từng bước xây dựng thương hiệu chè. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè, xóm có kế hoạch mở rộng diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển diện tích sản xuất chè vụ đông. Bên cạnh đó, xóm cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống đường giao thông để giao thương hàng hóa được thuận lợi, lắp đặt thêm hệ thống tưới tiêu nước và đầu tư mua sắm thiết bị máy móc chế biến và bảo quản chè để nâng cao chất lượng sản phẩm.