Với 42.080 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới, chiếm 13,4% tổng số hộ trên địa bàn nhưng hiện mới có hơn 60% số hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Trước thực tế này, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã dành một phần vốn để ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và hộ chính sách khác. Tuy nhiên, hiện số DN này chưa nhiều nên rất cần sự quan tâm vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành trong việc động viên DN…
Tại nhiều diễn đàn thời gian qua, cùng với việc khẳng định những kết quả nổi bật của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đang đứng thứ 25/63 tỉnh, thành. Thực tế này cần phải có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng DN trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ngày 5-2-2016, UBND tỉnh đã có Công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã trích một phần ngân sách và động viên các DN trên địa bàn chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị mỗi năm, mỗi huyện, thành, thị dành từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng tiền ngân sách chuyển sang NHCSXH cùng cấp. Đối với DN có sử dụng đất nông nghiệp, dành một phần vốn để hỗ trợ nông dân bị thu, hồi đất có vốn vay, nhằm tạo điều kiện để người dân ổn định đời sống.
Hưởng ứng chủ trương này của UBND tỉnh và được sự động viên, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, một số DN đã có những việc làm thiết thực, cụ thể. Điển hình trong số này phải kể đến T.X Phổ Yên đã huy động được sự vào cuộc của 13 DN, với số tiền cam kết ủy thác cho vay là 1,8 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời gian tối thiểu 3 năm. Hiện có 4 DN đã chuyển vốn về NHCSXH thị xã với số tiền 550 triệu đồng, số còn lại theo kế hoạch sẽ được chuyển trong tháng 12 này. Huyện Võ Nhai, trong năm 2016, cũng đã có 4 DN dành 480 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn của NHCSXH huyện trong vòng 3 năm. Riêng với Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ), việc ủy thác nguồn vốn cho NHCSXH huyện đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Hiện, số tiền mà Công ty này ủy thác qua NHCSXH là 5 tỷ đồng, trong đó năm 2016, đơn vị chuyển 1 tỷ đồng. Tính chung toàn tỉnh hiện có hơn 6 tỷ đồng của DN được ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các hộ chính sách. Cùng với số tiền ngân sách tỉnh và các huyện, thành, thị chuyển sang là trên 42 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh gần 30 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện), hiện tổng vốn ủy thác của ngân sách địa phương và các chủ đầu tư là công ty, DN trên địa bàn tỉnh là 48,3 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã có thêm hàng nghìn hộ chính sách, có hoàn cảnh khó khăn được đáp ứng nhu cầu về vốn.
Tuy nhiên, nếu đem so với tổng nguồn vốn trên 2.700 tỷ đồng của NHCSXH tỉnh thì hiện nguồn vốn của ngân sách địa phương và từ các DN mới chỉ chiếm gần 1,8%; còn nếu đem so với khoảng 4.000 DN đang hoạt động trên địa bàn thì con số gần 20 DN có vốn ủy thác cho NHCSXH lại càng không đáng kể. Chị Nguyễn Thị Tình, xóm Hòa Bình, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) nói với chúng tôi đầy tâm trạng: Tôi rất mong được vay vốn với lãi suất ưu đãi và không phải thế chấp tài sản để phát triển kinh tế. Nhưng vì nguồn vốn của NHCSXH không đủ đáp ứng so với nhu cầu vay của người dân nên từ tháng 3-2016, tôi buộc phải nhờ em trai mình đứng ra bảo lãnh vay của người quen 50 triệu đồng. Lẽ ra, với số tiền này, nếu vay của NHCSXH thì mỗi tháng tôi chỉ phải trả 275 nghìn đồng, nhưng vì vay ngoài nên tôi phải trả 1 triệu đồng/tháng. Điều này khiến cuộc sống của 2 mẹ con tôi vốn đã rất vất vả lại càng vất vả hơn. Tôi mong sao sẽ sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo.
Được biết, theo chuẩn đa chiều mới, số hộ nghèo của tỉnh ta đã tăng từ 22.123 hộ (cuối năm 2015) lên 42.080 hộ, chiếm tỷ lệ 13,4%, (vào đầu năm 2016). Trong khi đó, tính đến cuối tháng 11, toàn tỉnh mới có trên 26,6 nghìn hộ nghèo và 13.146/28.000 hộ cận nghèo đang được vay vốn của NHCSXH. Nếu trừ đi khoảng 20% số hộ không có nhu cầu và một tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh đang có dư nợ ở chương trình cận nghèo thì toàn tỉnh hiện còn khoảng 12 nghìn hộ chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay. Trong khi đó, số tiền NHCSXH Trung ương phân bổ về cho tỉnh năm 2016 để cho vay chương trình này chỉ là gần 100 tỷ đồng (tương đương với số hộ được giải ngân mới là khoảng 2.000 hộ, vì theo quy định, mỗi hộ được vay tối đa 50 triệu đồng). Dự kiến, trong những năm tiếp theo, nhiều khả năng nguồn vốn dành cho chương trình này cũng chỉ dao động ở con số như năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn hộ nghèo phải mất nhiều năm nữa mới có thể được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Vì thế, theo đồng chí Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh rất cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp trong việc động viên DN tham gia vào hoạt động này. Và qua thực tế cũng cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của DN.