Sản lượng kinh doanh đạt thấp, cửa hàng kinh doanh có doanh số và chiết khấu thấp, tâm lý người tiêu dùng chưa muốn chuyển đổi vì chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng hiện là không nhiều… đã khiến các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ loại nhiên liệu này trên thị trường hiện nay.
Những hạn chế cần khắc phục
Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 1/6/2016, ngoài 8 tỉnh, thành phố phải triển khai bán xăng E5; các tỉnh, thành phố khác phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Tuy nhiên, đã hơn 5 tháng trôi qua, tình hình dường như vẫn không mấy cải thiện. Đặc biệt, nỗi lo gián đoạn nguồn cung xăng E5 trên thị trường đang ngày càng hiện hữu khi các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đang tạm dừng hoạt động và chưa cho thấy dấu hiệu hồi sinh.
Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm triển khai bán xăng sinh học E5, lượng tiêu thụ của loại xăng này vẫn còn hạn chế. Khảo sát tại các cây xăng thuộc nội thành, thành phố Hà Nội cho thấy, các điểm có bán xăng E5 cũng rất ít. Cụ thể, tại các tuyến phố lớn như: Trường Chinh, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, đường Nguyễn Trãi, đường Láng, Cầu Giấy… trong khoảng gần 20 cửa hàng bán xăng dầu chỉ có 5 - 6 cửa hàng bán xăng E5.
Tại các cửa hàng này, vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, khá đông khách vào đổ xăng, nhưng hầu hết mọi người đều cố gắng chen vào cột xăng RON A92, RON A95. Số khách hàng bơm xăng E5 là rất ít. Theo một nhân viên bán hàng ở cây xăng trên đường Láng, tỷ lệ tiêu thụ của xăng E5 trung bình chiếm khoảng 15 - 20% tổng lượng tiêu thụ hàng tháng.
Đánh giá về quá trình thực hiện lộ trình đưa xăng E5 ra thị trường, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 481 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng mới có gần 120 cửa hàng bán xăng E5 (chiếm khoảng 25%), với tổng sản lượng tiêu thụ trung bình đạt khoảng 10.610 m3/tháng.
Việc tổ chức kinh doanh xăng E5 vẫn chủ yếu tập trung vào các DN đầu mối, các nhà phân phối. Các DN là đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu chưa quyết liệt tổ chức chuyển đổi, kinh doanh xăng E5 do một số nguyên nhân như: Nguồn cung E100 để pha chế xăng E5 hiện chỉ còn Công ty Tùng Lâm tại Đồng Nai cung cấp, nên chi phí vận chuyển về đến Hà Nội khá cao; khi kinh doanh xăng E5 phải đầu tư trạm phối trộn; các hao hụt, chi phí khác gia tăng như súc rửa bồn bể, đầu tư thiết bị, kỹ thuật…
Rất cần một cơ chế
Theo đánh giá, xăng E5 là sản phẩm có nhiều lợi thế về bảo vệ môi trường, chất lượng, giá bán… mang lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng. Hiện, việc khuyến khích sản xuất, kinh doanh lẫn tiêu thụ xăng sinh học E5 đã được chính quyền, các bộ ngành Trung ương lẫn địa phương phổ biến, triển khai tích cực. Song, trên thực tế, xăng E5 vẫn chưa được DN lẫn người tiêu dùng chào đón.
Lý giải nguyên nhân này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành tập trung cho công tác tuyên truyền có nhiều thuận lợi, số lượng cửa hàng trực thuộc sở hữu của đơn vị đầu mối, tổng đại lý nhiều, nhưng hiện sản lượng xăng E5 kinh doanh đạt thấp do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại việc sử dụng, cửa hàng kinh doanh xăng E5 có doanh số và chiết khấu thấp, ảnh hưởng doanh số nên chưa thực sự hấp dẫn để các cửa hàng xăng dầu tự giác chuyển đổi. Bên cạnh đó, chênh lệch giá bán xăng E5 và xăng khoáng còn thấp chưa thực sự hấp dẫn và khuyến khích người mua và người bán.
Từ những khó khăn do tiêu thụ loại nhiên liệu này thời gian qua, các DN kiến nghị các cấp ngành cần phải tuyên truyền phổ biến công dụng và lợi ích của xăng E5, E10 đối với môi trường, động cơ và hiệu quả kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài nhằm định hướng cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm xăng.
Đồng thời các cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với các cửa hàng đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp nhận và phân phối xăng E5 như: Chính sách hoán cải bồn bể, chính sách hỗ trợ đầu tư và chính sách hoa hồng, nguồn cung ổn định cho các nhà máy, đặc biệt giảm giá thành để hấp dẫn người tiêu dùng, cũng như cần công bố rộng rãi, phổ biến các công trình, kết quả nghiên cứu về lợi ích, hiệu quả của xăng E5 để tạo niềm tin cho người tiêu dùng...
Theo các chuyên gia, để xăng E5 đi vào cuộc sống rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về xăng E5 thay vì để DN loay hoay tìm đầu ra cho loại nhiên liệu mới này. Đồng thời, các tỉnh thành, địa phương cần phải có giải pháp cụ thể trong việc triển khai bán xăng E5 một cách đồng bộ tới các DN thay vì chỉ có một DN như hiện tại. Cùng với đó, cần có những ưu tiên đối với những DN tiên phong trong bán xăng E5…