Xử lý dứt điểm những tồn tại về đất đai

16:53, 15/12/2016

Tại cuộc giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật quản lý Nhà nước về đất đai mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, cùng với lãng phí tài nguyên đất, một số tồn tại khác liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh cũng đã được chỉ ra. Do đó, cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm những tồn tại đó.

Ở T.P Thái Nguyên, 3 năm gần đây, khi tiến hành thanh, kiểm tra về đất đai đối với 20 đơn vị, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 16 đơn vị vi phạm Luật Đất đai. Điều đáng nói là các trường hợp này đều vi phạm những lỗi như: không có hồ sơ đất đai theo quy định, chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất, chưa đăng ký biến động đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính… Một số trường hợp điển hình là Công ty CP Khai khoáng miền núi, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thái Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên 27-7 sử dụng đất sai mục đích hàng chục héc ta trong thời gian dài; Doanh nghiệp tư nhân Phương Thu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng đất không đúng mục đích khoảng 0,3ha; Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Thành Hưng cho thuê đất trái pháp luật trên 5,4ha...

 

Công bố của sở Tài nguyên - Môi trường mới đây cũng cho thấy, sau khi tiến hành 44 cuộc thanh, kiểm tra về đất đai tại 55 đơn vị thì đã phát hiện 42 đơn vị vi phạm với diện tích lên tới trên 11.000ha. Sở cũng đã kiến nghị truy thu hơn 4,6 tỷ đồng tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 72,5 triệu đồng, đồng thời kiến nghị thu hồi trên 2.200ha. Sở cũng đã kiểm tra các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn và đã phát hiện tới 132 trường hợp vi phạm với diện tích trên 109ha.

 

Đấy là chưa kể đến các trường hợp cá nhân tự ý làm nhà xuống đất nông nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm hành lang, vỉa hè, chiếm dụng đất công, tranh chấp khiếu kiện về đất đai… Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương trong tỉnh, hiện nay tình trạng vi phạm về đất đai, nhất là tự ý làm nhà xuống đất nông nghiệp đã lên đến hàng nghìn trường hợp. Tính trung bình mỗi năm có thêm cả trăm trường hợp vi phạm, nhiều nhất là ở các huyện Phú Bình, Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ.

 

Cùng với tình trạng vi phạm Luật Đất đai thì bất hợp lý trong tái định cư (TĐC) đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 12.000 lượt hộ dân có đất bị thu hồi với tổng diện tích hàng nghìn ha. Cơ quan giám sát hoạt động quản lý đất đai của tỉnh đã khẳng định, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong vùng quy hoạch ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Hầu hết các địa phương không có quỹ đất TĐC trước khi thực hiện dự án. Nhiều khu TĐC chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến việc di chuyển, ổn định đời sống người dân.

 

Dự án khu đô thị (KĐT) hồ Xương Rồng và Dự án đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu, khu dân cư (KDC) số 1 phường Hoàng Văn Thụ là hai dự án triển khai khá sớm ở khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, hai Dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Có nhiều nguyên do, song chủ yếu vẫn là bởi chưa bố trí được khu TĐC phù hợp. Hai dự án này vẫn đang thiếu cả trăm lô đất TĐC. Theo UBND T.P Thái Nguyên thì không còn quỹ đất phù hợp để TĐC cho các hộ dân thuộc hai dự án trên vì địa phương thực hiện rất nhiều dự án, đặc biệt là các dự án KDC nằm ở các phường trung tâm nên việc bố trí quỹ đất TĐC gặp khó khăn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là các hộ dân khi chuyển đến khu TĐC phải có cuộc sống tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do vậy, khi các dự án triển khai lấy đất tại vị trí trung tâm thì bố trí TĐC cũng chí ít  phải nằm ở khu vực nội thành. Trong khi đó, quỹ đất toàn bộ khu vực nội thành gần như đã lấp kín.

 

Thực tế cho thấy, một số dự án khi được cấp phép đã không tính đến quỹ đất TĐC hoặc có kế hoạch bố trí nhưng chỉ đủ một phần so với nhu cầu TĐC của dự án. Sau khi thực hiện, các dự án thiếu đất TĐC buộc thành phố phải có phương án giải quyết tức thời là lồng ghép vào một khu TĐC đã có sẵn của một dự án nào đó. Do vậy mới dẫn đến tình trạng TĐC chồng chéo. Như vậy, nhiều dự án đã không tuân thủ đúng quy định về đảm bảo TĐC trước khi đầu tư dự án. Từ đó suy ra, việc cấp phép đầu tư đã không tính đến phương án TĐC. 

 

Như chúng ta đã biết, vấn đề quản lý đất đai luôn nóng và phức tạp. Do đó khó tránh khỏi những tồn tại, hạn chế và bất cập. Tuy nhiên, không phải vì thế mà công tác quản lý đất đai không thể cải thiện. Được biết, để giải quyết những tồn tại trên, Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề ra một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; tập trung thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. Trong đó chú trọng đến công tác hậu kiểm việc giao đất, cho thuê đất, kiên quyết xử lý các vi phạm. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu để vừa đáp ứng yêu cầu thông tin cho công tác quản lý, vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Điều quan trọng nhất là tạo sự minh bạch, công khai trong quản lý đất đai, tạo thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác tài nguyên, môi trường có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để thực thi công vụ…

 

Đây được xem là những giải pháp mang tính dài hạn mà ngành Tài nguyên - Môi trường đã đề ra để thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai các cấp cần phải dám nhìn thẳng vào sự thật, không ngại chỉ ra những điểm yếu để có biện pháp khắc phục ngay từ ban đầu.