Xuất khẩu năm 2017: Cấp thiết cơ cấu lại ngành hàng

17:35, 31/12/2016

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%. Tính chung cả năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, ngược lại với xu hướng nhập siêu lên tới 3,55 tỷ USD của năm 2015. Tuy nhiên, năm 2017, những lợi thế tăng kim ngạch XK sẽ bị thu hẹp nếu không có sự cơ cấu lại ngành hàng.

 

Năm 2016 “trườn” về đích

 

Đó có lẽ là từ phản ánh chính xác về thực hiện các mục tiêu xuất nhập khẩu trong năm 2016 khi nhiều nhóm hàng XK chủ yếu như dầu thô, lúa gạo, may mặc, da giày… giảm cả về kim ngạch cũng như đà tăng trưởng, nếu tăng cũng tăng thấp hơn so với các năm trước.

 

Sau nửa đầu năm 2016, khi XK mới chỉ đạt 46,2% kế hoạch năm, người đứng đầu Bộ Công Thương đã phải thừa nhận, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng XK của năm 2016 (10% như Quốc hội đề ra) là một nhiệm vụ khó khăn. Kết quả XK cả năm đã minh chứng cho nhận định này. Cụ thể, lượng XK dầu thô trong năm 2016 ước đạt 6,96 triệu tấn, giảm 24,2%; kim ngạch ước đạt 2,35 tỷ USD, giảm 36,7% so với năm 2015. Trong khi than đá giảm trên 45% về lượng và trên 47% về giá trị. Kim ngạch XK hàng dệt may đạt trên 23,56 tỷ USD, tăng 5% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây…

 

Bên cạnh đó, dù không khó khăn về thị trường, nhưng XK điện thoại các loại và linh kiện - mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam năm 2016 cũng không có nhiều dư địa khi mức tăng trưởng đã đến ngưỡng. Nếu XK điện thoại các loại và linh kiện năm 2014 đạt 23,6 tỷ USD, năm 2015 là 30,6 tỷ USD thì đến năm 2016 ước đạt khoảng trên 32 tỷ USD, theo dự báo của Bộ Công Thương. Trong đó, sự cố thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung hồi tháng 9 đã khiến cho kim ngạch XK của cả nước giảm đáng kể so với tháng 8 - thời điểm ra mắt sản phẩm này.

 

Một vài điểm sáng trong bức tranh XK có thể kể đến: Tăng trưởng cao ở mặt hàng rau quả (tăng 30% so với năm 2015, vượt qua cả mặt hàng gạo); bánh kẹo tuy kim ngạch chưa lớn, nhưng đã được tách thành mặt hàng riêng, tăng 17%; thức ăn chăn nuôi tăng 17%; xơ sợi dệt tăng 14%. Ngoài ra, còn có những mặt hàng truyền thống có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng: Cà phê tăng 26%, hạt điều tăng 16%, tiêu tăng 16%.

 

Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ: Sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước còn kém. Bên cạnh đó, các DN phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế; sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm XK.

 

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại

 

Về cơ hội của XK trong năm 2017, đại diện Bộ Công Thương nhận định, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những hiệp định thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là những hiệp định thương mại có tính chất rất quan trọng, tương đương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều quan trọng là phải có sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng lợi ích mà các hiệp định này mang lại. Ở một góc độ khác, bên cạnh việc mở rộng thị trường, cũng phải chú trọng đến việc điều chỉnh các ngành hàng. Hoạt động XK không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới. Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu ý là, những khâu trong thương mại quốc tế đem lại giá trị lớn thường nằm ở những khâu cuối, như phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị, nhưng thường thấp hơn. Vì vậy, cần lựa chọn tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất.

 

Năm 2017, đối diện với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho XK khi đòi hỏi các DN Việt Nam cần sớm từ bỏ tư duy làm ăn manh mún chụp giật, hoặc sân sau cho các DN lớn.

 

Mặt khác, theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và DN, đặc biệt là khi nhiều hàng rào thuế quan được thay thế bằng hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Chính vì vậy, bằng nhiều cách, DN phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Về các mặt hàng nhập khẩu (NK) chủ yếu, lượng NK xăng dầu năm 2016 ước đạt 11,47 triệu tấn, tăng 14,2% về lượng, nhưng giảm 11,7% về kim ngạch với năm 2015, khi chỉ đạt 4,71 tỷ USD. Các mặt hàng khác đều tăng về lượng cũng như kim ngạch. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng NK ước đạt 28,09 tỷ USD, tăng 1,8%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 20,1%. Sắt thép các loại đạt hơn 18,4 triệu tấn, tăng 18,8%, kim ngạch 8,02 tỷ USD, tăng 7,3%...