Năm nay, do thời tiết ấm áp, độ ẩm cao hơn so với những năm trước nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho diện tích chè vụ đông trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt. Điểm đáng lưu ý là mặc dù năng suất chè tăng lên nhưng giá bán sản phẩm vẫn giữ nguyên, giúp cho nhiều hộ làm chè có thu nhập cao hơn.
Nhiều hộ dân ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đang rất phấn khởi khi lứa chè vụ đông thứ 3 trong năm nay cho thu hoạch đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Đáng mừng hơn là nhờ có những trận mưa rào nhẹ từ mấy hôm nay đã giúp cho búp chè xanh non, chất lượng chè thành phẩm tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Mận, một hộ chuyên sản xuất chè vụ đông trong xóm cho biết: Thời tiết thuận lợi như thế này, năng suất chè vụ đông tăng đáng kể. Nếu như năm ngoái, 1 sào chè cho thu hoạch từ 7-9kg búp khô/lứa thì năm nay đạt từ 11-13kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng Phúc Xuân mà ở nhiều xã khác trong tỉnh như Tân Cương, Phúc Trìu, Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên); Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng, Hợp Tiến (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Sơn Cẩm (Phú Lương); Thành Công, Phúc Thuận, Phúc Tân (T.X Phổ Yên), diện tích chè vụ đông cũng phát triển tốt và cho thu hái đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Điều đáng nói là dù năng suất chè đạt cao hơn nhưng giá bán sản phẩm không giảm, trung bình một cân chè búp khô vẫn bán được với giá từ 200.000 đến -300.000 đồng. Thậm chí ở nhiều nơi có kinh nghiệm sản xuất chè vụ đông như các xóm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên); Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ); Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương), giá bán chè còn nhích lên khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg so với những năm trước.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Khoảng 15 năm trở lại đây, người dân không chỉ đầu tư sản xuất chè vụ đông ở những diện tích chè gần sông, suối, hồ, đập mà còn khoan giếng để chủ động được nguồn nước tưới và mở rộng diện tích sản xuất chè vụ đông. Nhờ đó, diện tích chè vụ đông của tỉnh tăng đáng kể. Hiện, toàn tỉnh có trên 21,3 nghìn ha chè, trong đó có gần 18,8 nghìn ha chè cho sản phẩm thì diện tích chè vụ đông chiếm khoảng vài nghìn héc-ta, tăng vài trăm héc-ta so với 3, 4 năm trước.
Từ thực tế cho thấy, chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán chè vụ đông cũng cao hơn chè chính vụ gấp rưỡi hoặc gấp đôi, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ chè tăng cao. Ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: Trên cùng một diện tích nhưng 2 lứa chè đông cho giá trị kinh tế bằng 3 đến 4 lứa chè chính vụ.
Vụ đông, búp chè chậm phát triển hơn so với chính vụ. Bình thường bà con làm chè tự phát phải mất 50 ngày mới được 1 lứa hái và chỉ hái thêm từ 2 đến 3 lứa chè vụ đông. Nhưng năm nay thời tiết ấm áp, nhiều hộ dân tích cực đầu tư thâm canh nên ở một số địa phương có kinh nghiệm sản xuất chè vụ đông, khoảng cách thu hoạch giữa 2 lứa chỉ mất 40-45 ngày. Năng suất chè cũng tăng lên, trung bình đạt từ 0,4 đến 0,5 tấn/ha, tăng khoảng 0,1 đến 0,2 tấn/ha so với những năm trước.
Tuy làm chè vụ đông (trái vụ) đòi hỏi phải đầu tư hệ thống tưới nước và mất nhiều công chăm sóc nhưng có ưu điểm là mùa đông chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng chè thường ngon hơn, bán được giá hơn. Theo nhiều hộ dân ở các vùng chè trong tỉnh, để tăng hiệu quả sản xuất chè vụ đông, ngay từ đầu tháng 8, sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng, bà con tiến hành cúp tán. Sau đó thu dọn thân và cành to ra bờ, vùi lấp cành tăm hương và lá chè theo hàng chè để tăng chất mùn (ép xanh). Đồng thời, kết hợp việc ép xanh với bón phân hữu cơ, phân lân cho những nương chè đến kỳ chăm bón và phun một lượt thuốc lên thân, cành tán chè để diệt sâu bệnh; xới sạch cỏ trong gốc chè, cày và cuốc lật giữa hai hàng chè làm cho đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi nước. Nhằm giúp chè phát triển tốt, nhanh cho búp, các hộ sản xuất chè đông thường xuyên tưới nước cho chè hoặc ít nhất một tuần tưới một lần. Ngoài ra, bà con còn ủ rơm rạ bón bổ sung, kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giữ ấm cho cây chè vụ đông; chăm sóc, bón phân, đốn tỉa và thực hiện các biện pháp quản lý phòng, trừ sâu bệnh hại theo đúng quy trình kỹ thuật thâm canh chè...
Đẩy mạnh sản xuất chè vụ đông đang là mục tiêu Thái Nguyên hướng tới. Đây cũng là một trong những định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh từ nay đến năm 2020. Do đó, để tăng diện tích và hiệu quả sản xuất chè vụ đông, năm 2017, Thái Nguyên có kế hoạch hỗ trợ người làm chè mua máy móc, thiết bị tưới chè. Dự kiến tỉnh sẽ hỗ trợ cho khoảng 100 mô hình với mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/mô hình. Tuy nhiên, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên lựa chọn và thực hiện các mô hình ở những địa phương có kinh nghiệm sản xuất chè vụ đông để giúp hoạt động hỗ trợ đạt kết quả tốt hơn.