Đại Từ: Tạo đà để bứt phá

08:15, 28/01/2017

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cùng sự cố gắng của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, năm 2016, kinh tế - xã hội của Đại Từ đã có chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.050 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt gần 7.600 tỷ đồng; thu ngân sách đạt trên 169 tỷ đồng...

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của huyện là các địa phương đã biết tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Bước đầu đã hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất như: Vùng trồng cây màu ở Bản Ngoại, cây ăn quả ở Tiên Hội, rau ở Hùng Sơn… Đặc biệt, Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh với nhiều vùng chè đặc sản. Xác định đây là cây trồng chủ lực, nên thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, bằng cách xây dựng các vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGaP nhằm hướng tới một nền sản xuất hiệu quả và bền vững. Nhờ đó, năng suất, chất lượng, giá bán chè của huyện đều được nâng lên và thị trường tiêu thụ rộng mở, các mô hình sản xuất chè an toàn này đã khẳng định được hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Đại Từ. Cùng với trồng trọt, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã mở ra hướng đi mới để nông dân xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện ước đạt 75.590 tấn, đạt 106,5% kế hoạch; diện tích cây màu các loại đạt trên 5.706ha, đạt 104,1% kế hoạch; trồng thay thế được 500ha chè, bằng 166% kế hoạch, sản lượng chè đạt trên 60.000 tấn búp tươi; trồng rừng được trên 1.144ha, bằng 131,8% kế hoạch; sản lượng thủy sản đạt 2.680 tấn, bằng 111,7% kế hoạch…

 

Trong năm, huyện đã tiếp tục chỉ đạo các xã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó phát huy vai trò và nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2016, huyện có thêm 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới là: Vạn Thọ, Ký Phú, Khôi Kỳ, Phú Xuyên, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn huyện lên 12 xã.

 

Về thu hút đầu tư, năm 2016 là năm Đại Từ đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là các dự án hạ tầng dân cư. Những ngày cuối năm 2016, huyện đã tổ chức khởi công xây dựng Khu đô thị kiểu mẫu số 1 thị trấn Hùng Sơn và Chợ trung tâm Đại Từ. Dự án có tổng diện tích trên 20ha, cấu trúc dự án gồm biệt thự liền kề đẳng cấp sang trọng, nhà phố thương mại... Ngoài ra, Dự án cũng sở hữu các dịch vụ và tiện ích khác như: bể bơi ngoài trời, công viên cây xanh, quảng trường, trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà trẻ, trường mầm non quốc tế, chợ trung tâm… Đến thời điểm này, tiến độ tổng thể toàn dự án đạt 60%. Dự án xây dựng Khu đô thị kiểu mẫu số 1 thị trấn Hùng Sơn và Chợ trung tâm Đại Từ hoàn thành sẽ là bước đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo bước ngoặt để huyện Đại Từ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển thế mạnh trên con đường đổi mới. Ngoài ra, một số dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định như: Trung tâm tổ chức sự kiện 27/7, Trung tâm thương mại huyện Đại Từ, Khu dân cư An Long…

 

Lĩnh vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển khá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, huyện đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện bằng việc tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, công khai các chương trình, dự án lớn của huyện cho các doanh nghiệp biết, cải cách thủ tục hành chính... Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt gần 7.594 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch, tăng 38,8% so với năm 2015. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt 4.454 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Trung ương ước đạt 834,2 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.305,6 tỷ đồng, tăng 119,2% so với năm 2015. Bên cạnh đó, Hoạt động thương mại trên địa bàn được duy trì ổn định, thị trường hàng hóa đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 1.321 tỷ đồng, bằng 102,59% kế hoạch.

 

Kết hợp hài hoà với tăng trưởng kinh tế là lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo nâng cao. Hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên được tăng cường theo hướng chuẩn hoá. Công tác xã hội hoá giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm, Đại Từ có thêm 5 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 90 trường, đạt 93,75%. Cùng với đó, huyện duy trì thực hiện tốt các chương trình y tế, dân số trên địa bàn, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Đến nay, huyện có 27/30 xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Nhờ đó, công tác khám chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Riêng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm, huyện phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm tốt công tác tư vấn, đào tạo nghê, giới thiệu việc làm cho người lao động, đã có 1.646 lao động nông thôn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho 3.187 lao động. Công tác giảm nghèo cũng thường xuyên được huyện quan tâm, thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Hiện toàn huyện có 8.200 hộ nghèo, chiếm 16,64%, 6.181 hộ cận nghèo, chiếm 12,54%. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc, miền núi được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

 

Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng, xã hội ổn định sẽ tạo đà để huyện bứt phá trong những năm tới. Năm 2017, nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện đề ra mục tiêu trọng tâm là: Triển khai thực hiện quyết liệt các dự án đầu tư vào huyện nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng trung tâm huyện và xây dựng nông thôn mới. Để làm được như vậy, huyện tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tích cực thu hút các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án để đầu tư phát triển nông thôn theo quy hoạch…