Giữ màu xanh cho rừng

08:03, 10/01/2017

Có dịp được len lỏi trong các khu rừng vào mùa này mới thấy rừng núi Đại Từ đẹp như bức tranh. Những tầng tán cây đan xen vào nhau tạo nên một màu xanh bạt ngàn. Để giữ được sự bình yên và vẻ đẹp của rừng là cuộc chiến đầy gian nan, vất vả đối với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng cùng nhân dân trong huyện.

Trên địa bàn huyện Đại Từ có gần 30.000ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là trên 8.757ha, rừng phòng hộ 6.002ha, rừng sản xuất trên 14.782ha. Hiện nay, ngoài cây trồng chủ yếu là keo, rừng tự nhiên còn lại ít, tập trung ở các khu rừng đặc dụng và phòng hộ. Trước thực tế diện tích rừng phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại (như sự tàn phá của con người, thiên tai, cháy rừng…), huyện đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban lâm nghiệp các xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến những chính sách hưởng lợi cũng như quy trình kỹ thuật bảo vệ, phát triển rừng cho các chủ rừng. Nhằm ngăn chặn nạn chặt phá rừng, Hạt Kiểm lâm thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc khai thác gỗ và lâm sản trên địa bàn. Riêng trong năm 2016 đã giám sát việc khai thác đối với 845 giấy phép, khối lượng gỗ rừng trồng được cấp phép khai thác là trên 20.557m3, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng gỗ khai thác để vận chuyển trên 18.963m3.

 

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong năm qua, các ngành chức năng của huyện đã thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét các đối tượng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, qua đó phát hiện và lập biên bản 12 vụ vi phạm, tịch thu 21m3 gỗ quy tròn các loại, thu nộp ngân sách trên 83 triệu đồng. Không chỉ kiểm soát chặt chẽ các đối tượng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép mà huyện còn giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản. Trên địa bàn huyện hiện có 160 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đang hoạt động, trong đó có 7 cơ sở chế biến gỗ băm, 40 cơ sở chế biến gỗ bóc, 24 cơ sở xẻ nan nẹp 89 cơ sở xẻ thuê và đóng đồ mộc gia dụng. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở này đều chấp hành tốt các quy định về nhập, xuất lâm sản có nguồn gốc hợp pháp từ nguồn thu mua trên địa bàn huyện và một số huyện giáp ranh, việc quản lý hồ sơ vào sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản được ghi chép đầy đủ.

 

Trong công tác bảo vệ rừng, khó khăn nhất là chống “giặc lửa”. Năm 2016, do thời tiết có nắng nóng, khô hạn kéo dài, các ngành chức năng, địa phương đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ cháy rừng tại các xã: Phú Xuyên, Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Quân Chu với tổng diện tích cháy là 9,29ha, chủ yếu là rừng trồng và thực bì. Cơ quan thường trực đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, đồng thời Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân và thủ phạm gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Là một trong những địa phương có xảy ra cháy rừng trong năm 2016, nhưng xã Cù Vân đã kịp thời chữa cháy nên hạn chế được thiệt hại đáng kể. Đây là khu rừng có nhiều loại gỗ quý như: lát, táu, sến, dẻ, trò… song nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nên rừng ở đây luôn được bảo vệ an toàn, chưa có bất kỳ vụ xâm hại nào xảy ra. Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giữ được rừng, xã xây dựng một trung đội dân quân gồm 22 chiến sĩ luôn sẵn sàng cùng với tổ bảo vệ rừng xử lý khi xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, UBND xã còn tạo điều kiện cho hoạt động của đội bảo vệ bằng việc phân giao cho các gia đình của đội bảo vệ một diện tích rừng nhất định để sản xuất, gắn trách nhiệm của người bảo vệ với rừng.

 

Song song với việc quản lý, bảo vệ, huyện đã thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng. Năm 2016, Đại Từ được giao chỉ tiêu trồng 650ha rừng sản xuất. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý dự án đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức cho các địa phương đăng ký trồng rừng và tập huấn kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho các chủ rừng. Cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban phát triển rừng các xã, xóm tổ chức kiểm tra việc trồng rừng theo quy trình kỹ thuật. Kết quả, huyện đã hoàn thành 100% diện tích theo kế hoạch, diện tích rừng mới trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, đến nay đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao vốn rừng cho chủ rừng bảo vệ, chăm sóc thành rừng. Ngoài ra, huyện đã thực hiện khoán bảo vệ diện tích chuyển tiếp 210,2ha tại khu rừng phòng hộ hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân, thiết kế khoán bảo vệ rừng phòng hộ tại các xã: Phú Cường, Phúc Lương, Đức Lương, Yên Lãng, Minh Tiến với diện tích 638,3ha, qua đó quản lý rừng hiệu quả, ngăn chặn được các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, xâm lấn đất rừng tại các khu vực giáp ranh.