Nông dân tự liên kết với nông dân là một trong những xu thế đang được khuyến khích mở rộng. Việc liên kết nhằm hỗ trợ nhau các công đoạn trong sản xuất, đặc biệt là về kỹ thuật. Trên tinh thần đó, Hội Nông dân huyện Phú Bình đã thành lập các mô hình tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) trong trồng trọt, chăn nuôi.
Thời điểm này, 3 sào hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu của gia đình anh Dương Văn Minh, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên đang phát triển tốt và đã đến thời kỳ ra nụ. 5 năm trở lại đây, 4,5 sào ruộng của gia đình anh được chuyển sang trồng hoa cúc, với 3 vụ trong năm. Diện tích này đã giúp gia đình anh thu lãi 200 triệu đồng/năm. Anh Minh nhẩm tính: 1 sào trồng hoa cúc cho giá trị tương đương 14 sào lúa. Vì thế, 5 năm gần đây, anh Minh cùng một số hộ dân trong xóm đã bỏ lúa để chuyên trồng hoa cúc. Sự mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh Minh bắt nguồn từ khi anh tham gia THT trồng hoa xã Đồng Liên. Anh Minh cho biết thêm: Tham gia THT, chúng tôi được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực hành trên đồng ruộng.
Năm nay, thời tiết có nắng nhiều nên phải cắt nắng trực xạ bằng cách che lưới đen để hạn chế những ảnh hưởng đến cây hoa. Những kinh nghiệm, kỹ thuật được 17 thành viên trong THT trồng hoa xã Đồng Liên cùng trao đổi và mách nhau để sản xuất có hiệu quả. Từ khi tham gia tổ hợp tác, 9/17 thành viên đã sản xuất hoa quanh năm, thay vì sản xuất 1 vụ hoa Tết như trước kia. Theo tính toán, mỗi sào hoa cúc người dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng và 50 triệu đồng từ hoa ly. Mặc dù hình thành và đi vào hoạt động được 7 năm, song các thành viên trong THT hoa xã Đồng Liên đang liên kết để tạo vùng sản xuất hoa tập trung, thu hút người tiêu dùng. Anh Nguyễn Mạnh Tưởng, Tổ trưởng THT hoa Đồng Liên cho biết: Các thành viên trong tổ luôn đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, gắn bó với nhau trong sản xuất và chất lượng hoa ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi lâu nay cũng là thế mạnh và được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện lựa chọn, trong đó không thể không nhắc tới chăn nuôi gà. Theo những người chăn nuôi lâu năm thì úm gà là công đoạn quyết định đến số lượng và chất lượng gà thương phẩm. Trước đây, các hộ chăn nuôi đều úm gà con bằng điện, chi phí cao mà hiệu quả thấp. Khắc phục hạn chế này, hiện nay, 10/10 thành viên trong CLB chăn nuôi xóm La Đuốc xã Tân Kim đều áp dụng sáng kiến làm chuồng úm gà cải tiến của chị Lê Thị Ánh - Chủ nhiệm CLB. Chị Nguyễn Thị Lạng xóm La Đuốc xã Tân Kim chia sẻ: Trước kia chăn nuôi nhỏ lẻ chúng tôi mạnh ai nấy làm. Từ khi tham gia CLB chăn nuôi, các thành viên tuyên truyền cho nhau cùng sử dụng phương pháp úm gà bằng chuồng úm gà cải tiến. Nhờ phương pháp này tỷ lệ gà sống đạt từ 95-97% (cao hơn 5-7% so với úm bằng điện), không bị rủi ro vì mất điện, gà khỏe mạnh; trước đây úm gà bằng điện chúng tôi phải chi đến 1 triệu đồng/tháng/1.000 gà, nhưng úm bằng củi chỉ mất 2-3 trăm nghìn đồng và có thể tận dụng vật liệu sẵn có của gia đình, chi phí thấp mà hiệu quả lại cao. Ngoài ra, đến kỳ tiêm phòng, nhỏ vắc xin, hay lúc gà được xuất chuồng, các thành viên trong CLB lại cùng nhau hỗ trợ về kỹ thuật và công lao động nên các thành viên trong CLB có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Lê Thị Ánh, Chủ nhiệm CLB Chăn nuôi La Đuốc, xã Tân Kim thông tin: Được thành lập năm 2014, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế. Tại mỗi kỳ sinh hoạt, các thành viên được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường giá cả và các bệnh mới, bệnh ghép. Nhờ áp dụng những kỹ thuật, kinh nghiệm của nhau mà các thành viên trong CLB đã phát triển và mở rộng mô hình chăn nuôi. Trước đây, mỗi thành viên chỉ duy trì từ 2-3 nghìn con gà/lứa, thì nay có hộ đã nuôi tới 6 nghìn con/lứa.
Qua hoạt động của 2 loại hình liên kết trên có thể thấy, mô hình liên kết nông dân với nông dân đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nếu có sự đầu tư và định hướng đúng đắn. Đây cũng là một trong những phương thức nhằm hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân huyện đã thành lập được 17 loại hình liên kết, thu hút hàng trăm hội viên nông dân tham gia. Các THT, CLB chăn nuôi và TLK được hình thành ở nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp…
Theo bà Dương Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tăng cường thành lập các loại hình liên kết. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho các loại hình liên kết; phối hợp với các Ngân hàng tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất cho các hội viên, qua đó nhằm khuyến khích việc thành lập thêm các THT, CLB chăn nuôi, TLK và thu hút các hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Đặc biệt, trong năm 2016, Hội Nông dân huyện cũng đã triển khai Đề án xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân huyện giai đoạn 2016-2020. Theo Đề án này, từ năm 2017, các THT, CLB và tổ liên kết sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện với trị giá từ 300-500 triệu đồng cho mỗi loại hình. Đây là động thái tích cực để các hội viên nông dân tích cực liên kết với nhau và nâng cao hiệu quả sản xuất.