Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, những ngày này, người dân ở làng hoa đào Cam Giá (T.P Thái Nguyên) đang tích cực chăm sóc những gốc đào với mong muốn Tết năm nay hoa đào sẽ bán được giá hơn mọi năm.
Chúng tôi đến làng hoa đào Cam Giá vào một ngày cuối tháng 12. Đi trên con đường bê tông uốn lượn dẫn vào làng đào, chúng tôi cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần bởi hai bên đường là những vườn đào đang bắt đầu khoe sắc để chào đón một mùa xuân mới. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội hoa đào Cam Giá cho biết: Nghề trồng hoa đào ở Cam Giá có từ năm 1994, khi một số hộ dân đầu tiên mang cây hoa đào ở vùng đất Nhật Tân (Hà Nội) về trồng tại địa phương. Nhận thấy cây đào thích hợp với thổ nhưỡng của Cam Giá, các hộ dân đã nhân rộng diện tích trồng đào từ 3ha (năm 2011) lên 8ha (2016).
Vừa tư vấn cho khách mua đào nhưng ông Phương cũng không quên trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: Gần Tết nên lượng khách đến xem và mua đào khá đông. Nhiều khách đã đặt tiền và nhận cây, từ nay đến Tết, gia đình tôi phải thuê thêm người làm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Lê Thị Thanh Xuân, ở tổ 35B, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Năm nào tôi cũng mua đào của gia đình ông Phương. Tôi thấy dáng cây khá đẹp và giá cả cũng phải chăng. Với kinh nghiệm trồng đào đã trên 20 năm, ông Phương nhận định, thời tiết năm nay ấm hơn mọi năm nên đến thời điểm này, nhiều gốc đào của các hộ gia đình đã bung nở hoa. Khả năng có đến 50% số cây đào sẽ có giá trị không cao. Còn những cây đào ra hoa đúng vào dịp Tết sẽ có giá đắt mọi năm (tùy vào dáng cây, gốc to hay nhỏ).
Tuy mới chỉ có thâm niên trồng đào gần 10 năm nay nhưng vườn đào của gia đình anh Nguyễn Văn Bằng, ở tổ 9 cũng được khách mua hoa đánh giá khá cao bởi kiểu dáng của cây bắt mắt, trên cây có đủ cả hoa đào, nụ đào và lộc biếc. Thời điểm này, gia đình anh đang huy động hết nhân lực trong gia đình để tập trung ngắt bớt lộc cho cây đào nuôi nụ. Anh Bằng cho biết: Vườn đào của gia đình tôi rộng trên 3.000m2 với 300 gốc đào, trong đó có 250 gốc to và 50 gốc nhỏ, chủ yếu là cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thuê về để chơi Tết. Năm nay, thời tiết ấm hơn mọi năm nên không chỉ riêng vườn đào của gia đình tôi đã nở (khoảng 20%) mà đào của nhiều địa phương khác trên cả nước cũng nở sớm hơn. Nhiều người làm đào ở Nhật Tân (Hà Nội) đã đến xem và muốn mua lại những cây hoa đào của gia đình nhưng tôi không bán vì muốn giữ lại để phục vụ thị trường Thái Nguyên, đồng thời quảng bá thương hiệu đào của Cam Giá nói chung và đào của gia đình nói riêng để nhiều người biết đến.
Được biết, Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá đã được UBND tỉnh công nhận năm 2012. Hiện nay, cả phường có 225 hộ trồng hoa đào với diện tích khoảng 8ha, tập trung ở các tổ: 7, 8, 9, 10, 15 và 16, góp phần giải quyết việc làm cho trên 500 lao động địa phương. Hàng năm, doanh thu từ trồng hoa đào của phường đạt từ 7-8 tỷ đồng. Nhờ trồng hoa đào, nhiều hộ dân có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm. Ngày 4-1-2017 tới, UBND phường Cam Giá sẽ ltổ chức Lễ đón nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”. Đây chính là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh, thương hiệu của cây hoa đào tới thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Cam Giá cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”, gắn trách nhiệm của người sản xuất với nhãn hiệu; tích cực tuyên truyền và vận động các hộ trồng hoa đào tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong sản xuất và tham gia bảo vệ môi trường làng nghề. Phấn đấu năm 2017 sẽ nâng tổng diện tích trồng đào lên 10ha. Để người dân trồng đào có thị trường tiêu thụ trong dịp Tết, hàng năm, phường cũng đã tổ chức chợ hoa đào tại tổ 3 (dọc trục đường Cách mạng Tháng Tám) để người dân đến xem và mua đào của địa phương.