Người mê ong mật

07:30, 10/01/2017

Giữa bát ngát rừng keo, có ông già đang mải lụi hụi với từng cầu ong mật. Dưới tán rừng, ông lặng lẽ làm việc giống như những chú ong cần mẫn. Đó là cựu chiến binh (CCB) Trần Mạnh Thừa, 79 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong Phúc Thuận (T.X Phổ Yên).

Ông Thừa đã có gần 20 năm “làm bạn” với đàn ong mật. Cũng vì vậy mà ông tỏ tận đường đi, lối về của con ong. Ông biết đàn ong đang cần gì để có thể giúp chúng, như nhu cầu ong phân đàn, khi rét đậm, rét hại, ong cần được giữ ấm và bổ sung thức ăn ra sao. Người CCB già này luôn nặng lòng tâm huyết với nghề nuôi ong. Hiện tuổi cao, không dám kham nhiều, ông chỉ nuôi hơn hai chục đàn ong. Nhưng ông vẫn được tiếng là người nuôi nhiều ong nhất vùng. Vì từ lâu, ngôi nhà của ông ở xóm Phúc Tài được người nuôi ong trong vùng tìm đến, trò chuyện, san sẻ kinh nghiệm.

 

Nuôi ong dần trở thành một nghề. Ở vùng đất lắm rừng, nhiều vườn cây ăn quả Phúc Thuận đã dần xuất hiện những nông dân nuôi ong làm giàu. Nhưng vì nhiều lý do, như: tập quán canh tác lạc hậu, cơ chế xã hội của thời bao cấp, người dân chỉ dám nuôi ong với số lượng nhỏ để tiêu dùng trong nhà. Việc nuôi ong cũng mang tính quảng canh, thiếu đầu tư, được ăn, mất chịu. Để sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, ông Thừa đã gặp những người nuôi ong có kinh nghiệm trong vùng để bàn bạc, vận động bà con tham gia HTX nuôi ong. Ông Nguyễn Văn Yên, người có nhiều kinh nghiệm nuôi ong trong vùng kể: Từ lâu, tôi đã nuôi thường xuyên 150 đàn, vừa lấy mật bán, vừa sẻ đàn bán, mỗi năm đạt thu nhập chừng 300 triệu đồng. Tôi rất tự tin với nghề nuôi ong của mình, nhưng khi thấy ông Thừa cùng các bác CCB đến vận động tham gia HTX, tôi tin tưởng, đăng ký ngay, về sau lại được các hộ nuôi ong tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX Nuôi ong Phúc Thuận.

 

Ý tưởng thành lập HTX nuôi ong của ông Thừa và các CCB được chính quyền nhân dân và các hộ nuôi ong trong vùng ủng hộ. Ngày 28-11-2013, HTX nuôi ong Phúc Thuận được thành lập, gồm 7 gia đình thành viên. Toàn HTX có tổng số hơn 300 đàn ong mật. Vào HTX nhưng ong vẫn được nuôi tại các hộ gia đình. Sản phẩm từ ong được các gia đình tự khai thác, bán lấy tiền trang trải cuộc sống riêng. Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận nhận xét: Đây là một mô hình HTX rất đặc biệt vì các thành viên chính là CCB, họ đứng ra thành lập HTX không có mảy may trục lợi cá nhân. Mà với mong muốn tập hợp bà con nuôi ong lại, cùng nhau xây dựng nên thương hiệu mật ong Phúc Thuận.

 

Nghề nuôi ong lấy mật có nhiều điều lý thú, nhưng cũng nhiều phen người nuôi ong phải lận đận, khốn đốn. Ông Thừa cẩn thận mở cuốn sổ ghi chép riêng, rồi đọc cho tôi ghi chép lại: Năm 2014, HTX xuất bán 2 tấn mật, hơn 200 đàn ong, đạt doanh thu gần 300 triệu đồng; năm 2015 xuất bán 2,5 tấn mật, hơn 300 đàn ong, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng. Chợt ông dừng lời, giọng ông như lạc đi: Năm 2015, HTX được mùa mật nhưng lại… mất mùa ong. Vì những tháng cuối năm, trời rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa ẩm làm hơn 200 đàn ong của hộ xã viên bị chết. Nhiều hộ xã viên mất trắng, không còn đàn nào.

 

Để HTX hoạt động ổn định, ông vận động các thành viên HTX cưu mang, đùm bọc lấy nhau, cùng phát triển lại đàn ong cho những hộ xã viên bị mất. Các hộ xã viên giữ được số đàn, đã tự nguyện tạo chúa, nhân đàn, bán chịu cho hộ xã viên khác cùng nuôi. Nhờ cách làm này, số lượng đàn ong của HTX phát triển nhanh, từ gần 300 đàn lên hơn 700 đàn hiện nay. Do tập trung nhân đàn, nên sản lượng mật năm 2016 chỉ đạt 1,5 tấn, nhưng số đàn ong được bán trong nội bộ HTX và bán cho bà con trong vùng đạt hơn 600 đàn. Nhiều hộ nuôi ong đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; một số hộ khác đã có lại đàn ong mới khỏe mạnh, sung sức, chuẩn bị vào vụ khai thác mật năm 2017 này.

 

Qua cơn bĩ cực, các thành viên trong HTX càng tin tưởng, gắn bó với nhau hơn. Tôi buột miệng hỏi ông Thừa: Lương Giám đốc HTX được bao nhiêu 1 tháng? Ông cười phúc hậu, bảo: Không một xu. Nhưng đổi lại là hằng ngày chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, kể cho nhau nghe về chuyện đời, chuyện nghề nuôi ong lấy mật.