Năm 2016, tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 187,6% GDP, thấp hơn nhiều so với số bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN (318% GDP).
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2016 đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, hệ thống tài chính Việt Nam được đánh giá phát triển khá lành mạnh và an toàn, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp đồng thời duy trì ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước trong khu vực.
Làm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2016, hệ thống tài chính đã thực hiện tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản khu vực ngân hàng dồi dào và diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu).
Quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính từ cuối năm 2011 góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính (giảm 10% số TCTD và 25% số công ty chứng khoán). Hoạt động của khu vực tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn với mức đủ vốn bình quân của hệ thống cao hơn mức chuẩn an toàn và khả năng sinh lời của toàn hệ thống tăng nhẹ so với năm 2015.
Phân tích rõ hơn về những nhận định trên, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết: Xét quy mô và hoạt động của hệ thống tài chính Việt Nam thì tổng tài sản hệ thống tài chính năm 2016 ước tăng 13,5%; tổng vốn chủ sở hữu tăng 6,8% so với cuối năm 2015. Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước trong khu vực. Tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 187,6% GDP, thấp hơn nhiều so với số bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN (318% GDP).
Mức đủ vốn bình quân của hệ thống tài chính theo báo cáo cao hơn mức chuẩn an toàn theo quy định, tuy nhiên trong hệ thống vẫn còn một số định chế tài chính có mức đủ vốn thấp hơn chuẩn an toàn mặc dù quy mô tài sản và hoạt động của các định chế này nhỏ.
Dẫu vậy, khả năng sinh lời của hệ thống tài chính được cải thiện. ROA bình quân đạt 0,58% (năm 2015: 0,49%), ROE bình quân đạt 7,57% (năm 2015: 5,98%).
Quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD đã có những kết quả bước đầu. Đến cuối năm 2016 đã tháo gỡ cơ bản các khó khăn của hệ thống về: tình trạng căng thẳng thanh khoản; Phát hiện và khu biệt các TCTD yếu kém; Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo dưới 3,0%, số nợ xấu được xử lý từ năm 2013 đến nay hơn 500.000 tỷ đồng; Sở hữu chéo, đầu tư chéo dần được kiểm soát; Các TCTD chú trọng hơn vào quản trị rủi ro và quản trị điều hành, các văn bản quy phạm pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các TCTD được ban hành. Hầu hết các khó khăn của hệ thống TCTD trước năm 2011 về cơ bản đã được tháo gỡ.
Nhìn chung, hệ thống tài chính đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo số liệu cập nhật cả năm 2016, hệ thống tài chính cung ứng khoảng 1,230 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%; thị trường vốn cung ứng 31,9%. Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế tương đương 181,2%GDP.
Về khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống tài chính được đảm bảo, theo ông Trương Văn Phước, trước hết do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào. Điều này làm tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu Chính phủ; diễn biến tích cực của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Huy động vốn thông qua đấu giá cổ phần cả năm tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, “so với các nước trong khu vực, năng lực cung ứng vốn của hệ thống tài chính Việt Nam còn hạn chế. Độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam chỉ đạt 181% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực”- ông Phước đánh giá.
Thận trọng tăng trưởng tín dụng
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, diễn ra từ 28-29/12/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay: Năm nay, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Thị trường ngoại tệ không biến động mạnh, đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo… góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Đặc biệt là tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên…
Với nhiều kết quả khả quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao thành công của ngành ngân hàng năm 2016. Đó là đã có sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa rất khớp, đúng đắn, chủ động, không để cú sốc nào xảy ra. Tổng mức tín dụng tăng cao, dự trữ ngoại hối cao nhất (ở mức 41 tỷ USD) và đang tích cực xử lý các ngân hàng yếu kém.
Để phát triển thị trường tài chính Việt Nam bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Hiện nay chúng ta có 5 triệu tỷ đồng tín dụng của nền kinh tế, 2,3 triệu tỷ nợ công. Nếu mải chạy theo tăng trưởng tín dụng, cấp vốn đầu tư kể cả gọi vốn vào cho nền kinh tế, nếu không cẩn thận thì tiền của kẻ xấu cũng vào theo. Tốt nhất là giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam ở mức tốt nhất, từ đó người ta đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Lãi suất hạ xuống ở mức độ nào là bài toán vô cùng hóc búa với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017. Nếu giảm được 0,5% thì nền kinh tế sẽ ra sao? Phải tính toán cái này”.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng cho rằng, hiện cung ứng vốn cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm năng và các nước trong khu vực. Cho vay của ngân hàng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cao hơn các nước trong khu vực với tỷ trọng bình quân dưới 50%. Hệ thống các TCTD cũng còn tiếp tục đối mặt với thách thức kỳ hạn…/.