Lâu nay, bảo vệ, quản lý và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề nóng được cả cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Tuy nhiên, để người dân yên tâm gắn bó với rừng thì một trong những điều cốt yếu là phải đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định. Hiểu được điều đó, những năm qua, HTX Nông, lâm nghiệp, dịch vụ và môi trường Hòa Bình (Bình Long, Võ Nhai) đã phát triển mô hình trồng khoai tây nguyên liệu để “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.
REDD+ (viết tắt của: Reducing emissions from deforestation and forest degradation) là dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng tại các nước đang phát triển. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế do Quỹ đối tác Các-bon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. |
Thành lập từ năm 2012 với 962 hộ, trên cơ sở được giao triển khai Dự án REDD+, những năm qua, HTX nông, lâm nghiệp, dịch vụ và môi trường Hòa Bình (HTX Hòa Bình) đã thực hiện bảo vệ, quản lý gần 1.170ha rừng thuộc địa phận 20 xóm trên địa bàn xã. Đồng thời, thành lập 60 tổ tự quản và tiến hành khoanh vùng rừng giao cho các tổ (9-20ha/tổ). Tham gia Dự án, các thành viên sẽ được cấp kinh phí bảo vệ rừng và được đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật mở rộng sản xuất khi có nhu cầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Trung Thông, Giám đốc HTX Hòa Bình, cho biết: Trước đây, do đời sống khó khăn, nhiều người dân đã khai thác tràn lan dẫn tới độ che phủ của rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Từ khi có Dự án REDD+, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào số tiền hỗ trợ của Dự án thì không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân. Để các thành viên yên tâm giữ rừng thì đời sống của họ phải được đảm bảo, tức là phải có mô hình sản xuất thường xuyên.
Trước thực tế đó, năm 2013, HTX Hòa Bình đã tiến hành trồng thử nghiệm 3 loại cây trồng: gừng (gần 3 tấn), dong giềng (31,5 tấn) và khoai tây (8 tấn). Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, gừng và dong giềng không phù hợp thổ nhưỡng nên năng suất thấp, còn khoai tây (giống Atlantic, nhập từ Mỹ) lại thích ứng cao với loại đất pha cát ở Bình Long, cho năng suất cao hơn hẳn các giống khoai trước đây. Do vậy, từ vụ đông năm 2014 trở đi, HTX Hòa Bình đã quyết định lựa chọn trồng khoai tây. Tham gia mô hình, các hộ dân được HTX đảm bảo các yếu tố đầu vào như: giống, phân bón… Bên cạnh ý tưởng của HTX thì sự hỗ trợ của Dự án REDD+ cũng là một thuận lợi. Ông Hà Trung Thông cho biết: Người dân ở Bình Long phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số cho nên kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Dự án hỗ trợ, người dân được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ từ phương pháp trồng truyền thống đến phương pháp làm đất tối thiểu, nhờ đó tiết kiệm công trồng, khâu làm đất, công thu hoạch nên hiệu quả kinh tế cao. Cũng bởi đầu ra cho sản phẩm của HTX luôn đảm bảo do phía Dự án đã chủ động liên hệ với Công ty Orion (Bắc Ninh) từ trước khi đưa giống vào sản xuất. . Bên cạnh vốn góp của thành viên, số tiền tạm ứng từ dịch vụ bảo vệ rừng do Dự án chi trả (hơn 286 triệu đồng/năm) chúng tôi đã trích ra để đầu tư cho sản xuất.
Từ sự hỗ trợ của Dự án, đến nay đã có trên 30 hộ dân của HTX tham gia trồng khoai tây. Tổng diện tích khoai tây của HTX Hòa Bình đã có trên 6,7ha; tổng sản lượng đạt gần 335 tấn/năm. Khoai tây được trồng từ tháng 10 Âm lịch và cho thu hoạch sau 3 tháng. Với giá bán dao động từ 6-7 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ha khoai tây người dân có thể thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng/năm.
Anh Ong Khắc Điệu (xóm Bậu, xã Bình Long), cho biết: Trước đây hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, ngoài lên rừng và làm mấy sào ruộng thì chẳng biết làm gì khác. Từ khi vào HTX, bên cạnh tham gia vào tổ bảo vệ rừng, tôi đã thực hiện chuyển đổi gần 10 sào ruộng vốn chuyên trồng ngô sang trồng khoai tây, kinh tế gia đình nhờ đó cũng ngày một ổn định hơn. Tôi và các thành viên được ứng giống trước, sau thu hoạch thanh toán giống bằng đổi trừ sản phẩm và được bao tiêu đầu ra. Đến giờ thì không còn ai phá rừng nữa.
Ngoài sự hỗ trợ của Dự án REDD+, việc trồng khoai tây của HTX còn được nhận sự hỗ trợ chung của tỉnh với mức 400 nghìn đồng/sào. Theo đó, các HTX, các vùng sản xuất rau màu tập trung được ưu tiên hỗ trợ trước, sau đó mới đến các hộ dân khác. Trên thực tế, đây là một lợi thế mà không phải HTX nào cũng nắm bắt được để đầu tư mở rộng sản xuất như HTX Hòa Bình, tất nhiên để thực hiện thành công thì cần có các yếu tố phù hợp như: điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nhân lực, vốn…
Từ những hiệu quả trong sản xuất đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ rừng ở Bình Long. Điều này được minh chứng là sau hơn 4 năm thực hiện dự án đã có thêm 450 ha rừng có trữ lượng trung bình 10m3/ha, nâng tổng diện tích rừng có gỗ lên 85,5%. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình trồng khoai tây nguyên liệu của HTX Hòa Bình còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà” trong sản xuất rau màu, đồng thời, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông của xã Bình Long nói riêng, của huyện Võ Nhai nói chung.