Chủ động điều tiết nước cho sản xuất vụ xuân

09:46, 28/02/2017

Đến nay, huyện Phú Bình đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy 4.900ha lúa xuân. Để chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất, ngay từ đầu vụ, các đơn vị khai thác, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết nước thật hợp lý, khoa học...

Có mặt tại cánh đồng các xã: Lương Phú, Tân Hòa, Kha Sơn..., chúng tôi nhận thấy lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, hầu hết các thửa ruộng đều đầy ắp nước. Anh Nguyễn Quốc Sơn, Cụm trưởng Cụm thủy nông Lăng trình thuộc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Phú Bình (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Sông Cầu - tỉnh Bắc Giang) cho biết: Cụm tôi gồm có 6 thành viên, có nhiệm vụ điều tiết nước một phần diện tích ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) và khoảng 1.000ha lúa của 4 xã huyện Phú Bình, gồm: Tân Hòa, Kha Sơn, Lương Phú và Thanh Ninh. Mấy hôm trước, chúng tôi đã thực hiện điều tiết nước luân phiên để dưỡng lúa ở Tân Hòa, Lương Phú. Mấy hôm nay, chúng tôi tiếp tục điều tiết nước dưỡng lúa ở Kha Sơn, Thanh Ninh. Hiện tại, số diện tích lúa ở 4 xã trên đảm bảo đủ nguồn nước tưới dưỡng...

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 3 hệ thống thủy nông gồm: Hệ thống thuỷ nông Sông Cầu phục vụ nước tưới gần 2.300 ha; hệ thống thủy nông Núi Cốc thực hiện tưới cho 2.840ha và hệ thống hồ đập lớn trên địa bàn huyện do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý với tổng diện tích tưới là 998ha; 102 hồ chứa và đập dâng do huyện quản lý với tổng diện tích tưới trên 1.327ha. Ngoài ra, huyện còn có 46 trạm bơm các loại, trong đó có 45 trạm bơm điện, 1 là trạm bơm dầu với tổng diện tích thực tưới là 854ha.

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhiều năm qua, khả năng hạn ở Phú Bình thường xảy ra ngay từ đầu vụ đông - xuân, có năm thì tình trạng này diễn ra vào giữa và cuối vụ, nhất là ở các xã vùng núi của huyện như: Đồng Liên, Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Thành, Tân Kim, Tân  Đức, Tân Hoà và các xã trung du có địa hình cao như Bảo Lý, Đào Xá. Hằng năm, số diện tích bị hạn hán từ 440 đến 650ha, cá biệt có năm số diện tích gieo cấy bị hạn lên tới gần 1.000ha. Trong năm qua, lượng mưa trên địa bàn huyện thấp và dải rác, không tập trung, lưu lượng không đáng kể nên lượng nước chứa trong các hồ đập vừa và nhỏ không nhiều. Qua kiểm tra tại các xã: Tân Khánh, Tân Thành, Tân Kim, Tân  Đức, Tân Hoà, Bàn Đạt, Bảo Lý, hầu hết lượng nước chứa trong hồ, đập chỉ bằng 70-75% mực nước thiết kế. Đặc biệt tại một số xã như Tân Thành, Tân Khánh, Tân Kim, mực nước ở nhiều hồ đập chỉ còn 65% mực nước thiết kế. Nguồn nước ao, hồ, sông ngòi tự nhiên cũng giảm đáng kể so với mức trung bình các năm trước.

 

Trước thực trạng nguồn nước tưới như vậy, các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ thủy nông ở các xã, thị trấn trong huyện để quản lý, điều tiết nước kịp thời, khoa học. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Phú Bình cho biết: Vụ xuân năm nay, Xí nghiệp sẽ phục vụ nước tưới cho 2.325ha lúa cho 16 xã, thị trấn của huyện Phú Bình. Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã chỉ đạo công nhân viên trong đơn vị thực hiện nghiêm túc Lịch tưới vụ chiêm xuân do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Sông Cầu xây dựng. Thời gian mỗi đợt tưới là 4-5 ngày. Khi mực nước thượng lưu cống 10 cửa Đá Gân trên 20,5m, chúng tôi thực hiện phương án tưới đồng thời các khu vực, ngược lại thì sẽ thực hiện phương án tưới luân phiên. Do mực nước hiện nay xuống thấp, đơn vị đang thực hiện mua nước từ hệ thống thủy nông Núi Cốc với mức 8m3/s và thực hiện tưới luân phiên từng khu vực.

 

Ông Lê Xuân Bẩy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình chia sẻ: Để đảm bảo nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện xây dựng và phê duyệt Phương án phòng chống hạn. Theo đó, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhất là 3 đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn đánh giá tình trạng hạn hán, khả năng tích trữ nước ở các công trình. Qua đó, chúng tôi đã xây dựng phương án chống hạn cho vụ xuân với các giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp đầu tiên là quán triệt sử dụng nước tiết kiệm, dùng đến đâu tháo đến đó không tháo nước tuỳ tiện tràn lan; tập trung tu bổ, nạo vét kênh mương và các công trình lấy nước, khơi thông dòng chảy, tận dụng dòng chảy kiệt; tu bổ, sửa chữa các trạm bơm, kéo dài ống bơm, khơi thông dòng chảy kiệt vào bể hút để bơm nước chống hạn. Cùng với đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, khai thác hiệu quả từ các nguồn nước tự nhiên...