Chuyển biến ở Thịnh Đức

14:46, 16/02/2017

Là xã thuần nông, những năm gần đây, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, xã đã hình thành được một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Địa phương cũng được định hướng là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của T.P Thái Nguyên.

Ngày đầu năm, chúng tôi có dịp đến xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Mặc dù mới ra Tết được vài hôm, nhưng không khí lao động, sản xuất trên khắp cánh đồng của xã khá nhộn nhịp. Đang sửa sang mảnh vườn để chuẩn bị cho vụ trồng quất cảnh mới, thấy chúng tôi, anh Hoàng Mạnh Cường, xóm Bến Đò phấn khởi khoe: Vụ quất cảnh và cam canh bán phục vụ Tết Đinh Dậu vừa qua, gia đình tôi thu về trên 700 triệu đồng, trừ chi phí, công chăm sóc đã bỏ túi trên 400 triệu đồng. Tiếp tục đến xóm Mỹ Hào, chúng tôi thấy người dân đang tích cực sản xuất ở khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Đang thu hoạch những chùm cà chua sai lúc lỉu tại khu nhà kính nằm trên cánh đồng của xóm, ông Đặng Thành Nhâm mộc mạc chia sẻ: Cả đời làm nông nghiệp, đây là lần đầu tiên chúng tôi trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Được phòng chức năng T.P Thái Nguyên, lãnh đạo xã vận động, gia đình tôi cùng 7 hộ khác trong xã tham gia mô hình này, lứa rau đầu tiên chúng tôi trồng giống bí ngồi, đầu vụ bán ra thị trường được 50 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với sản phẩm ngọn bí thông thường, lứa cà chua này là lứa rau thứ 2 cho thu hoạch, tôi và những hộ trồng ở đây chưa hạch toán cụ thể, nhưng chắc chắn giá trị tăng cao hơn nhiều so với trồng rau theo phương pháp cũ.

 

Càng đi tìm hiểu về Thịnh Đức, chúng tôi càng cảm nhận được sự chuyển mình rõ nét của vùng đất nơi đây. Với trên 1.000ha đất nông nghiệp, năm 2010 trở về trước, xã Thịnh Đức sản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu, nông dân thường sử dụng giống lúa thuần, chất lượng gạo thấp, năng suất phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức thông tin: Xã Thịnh Đức bắt đầu chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp từ năm 2011. Ông Long vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên vận động nông dân thực hiện mô hình cánh đồng một giống tại xóm Cầu Đá, với diện tích 3ha, bằng giống lúa lai DS1, nhưng lần đó bị thất bại. Ông Long lý giải, thực hiện cánh đồng một giống quy trình phải rất khắt khe, mạ gieo cùng một ngày, cấy một ngày.... nhưng là năm đầu tiên thực hiện, bà con chưa có kinh nghiệm, người cấy sớm, người cấy muộn, lại không biết cách sử dụng phân bón, một số người dân đổ lỗi tại cán bộ. Chúng tôi không chịu bị mang tiếng, cả Ban lãnh đạo xã đã tổ chức cho dân họp và tìm ra nguyên nhân và tiếp tục vận động bà con thực hiện. Đến nay xã Thịnh Đức đã có trên 70% số hộ dân của 25 xóm sản xuất lúa lai chất lượng cao theo phương pháp trồng tập trung một giống, cùng một cánh đồng.

 

Câu chuyện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hay sản xuất vùng nông nghiệp tập trung không còn xa lạ với bà con của xã Thịnh Đức. Hiện nay, xã Thịnh Đức đã hình thành một số vùng sản xuất, chẳng hạn: Vùng trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh tại xóm Bến Đò, Ao Miếu; sản xuất lúa chất lượng cao ở xóm Cầu Đá và một số vùng lân cận... Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng xóm Mỹ Hào, ông Long giới thiệu: Toàn bộ cánh đồng rộng trên 10ha, đã được T.P Thái Nguyên phê duyệt để phát triển vùng trồng rau an toàn. Vừa rồi, xã được Nhà nước đầu tư xây dựng một con mương dài 500m và chuẩn bị được đầu tư  tuyến đường chạy qua giữa cánh đồng. Để thuận lợi trong việc thi công, chúng tôi đã vận động bà con hiến đất, người dân ai cũng đều đồng thuận. Nói chuyện với chúng tôi, ông luôn xoay quanh chuyện ruộng đồng, tôi hỏi ông: Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng bà con nông dân trong xã đã "bén duyên", vậy khó khăn nhất hiện nay của bà con là gì? ông Long nói như giãi bày: Tuy nông dân trong xã chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và đã làm ra sản phẩm nông sản ngon, chất lượng nhưng khâu quảng bá sản phẩm bà con chưa có kinh nghiệm, nên sản phẩm chưa được giới thiệu rộng rãi. Đơn cử, mấy năm gần đây, nông dân của xã trồng được loại gạo HKT99 rất thơm ngon, nhưng cũng chỉ bán cho vài cơ sở nhỏ lẻ và giá không cao. Thứ nữa, muốn phát triển nông nghiệp quy mô, nông dân phải biết liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp thì nông dân vẫn chưa làm được. Chúng tôi đang có ý tưởng mở một hội nghị trưng cầu ý kiến những người có uy tín trong xã để họ hiến kế giúp bà con nông dân phát triển sản xuất.

 

Rời xã Thịnh Đức lúc mặt trời đứng bóng, nhưng chúng tôi vẫn thấy một số người dân đang cố cấy cho xong đám ruộng. Tin tưởng rằng, cùng sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp và PTNT, T.P Thái Nguyên, phát triển nông nghiệp ở Thịnh Đức tiếp tục đạt được những thành quả cao hơn nữa.