Con đường trở thành doanh nhân thành đạt

10:57, 26/02/2017

Doanh nhân (DN) thành đạt đang là hình mẫu lý tưởng mà nhiều người hướng đến, nhất là người trẻ tuổi. Cũng bởi thế mà hiện nay, trong cả nước đâu đâu cũng rộ lên phong trào khởi nghiệp - startup. Có muôn nẻo đường dẫn đến thành đạt của DN, nhưng lại rất ít nẻo đường được thảm sẵn hoa hồng. Tuy nhiên, thực tế nghiệm ra rằng, DN nào từng đi trên con đường chông gai, trắc trở thì hầu hết đều thành đạt và phát triển bền vững.

Ở Thái Nguyên, trong hơn 5.000 doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận ra nhiều chủ doanh nghiệp thành đạt. Họ thành đạt trên nhiều phương diện, lĩnh vực và trở thành những nhân vật tên tuổi, có sức đóng góp lớn cho địa phương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các DN thành đạt trong tỉnh đều có quá trình khởi nghiệp không mấy thuận lợi. Hơn nữa, xuất thân của họ thường không phải từ các gia đình có truyền thống thương gia, nên ít được thừa hưởng kiến thức, kinh nghiệm và gia tài của người thân để lại.

 

DN thành đạt đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến chính là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, ông Nguyễn Văn Thời. Không mấy ai biết rằng, người chèo lái "con tàu" TNG băng băng thẳng tiến vững chắc trên thương trường dệt may nhiều năm qua lại là một người ngoại đạo với thời trang và may mặc. Năm 1982, sau khi nhận bằng tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - Địa chất, ông về Công ty Xây lắp Điện Bắc Thái công tác. Tại đây, ông được đề bạt giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, sau đó được cử đi học Đại học kinh tế. Ra trường, ông được cử làm Giám đốc Công ty May của tỉnh. Trong quá trình khởi nghiệp, ông và Công ty có cả một quãng thời gian dài liên tục tăng trưởng âm. Ở thời điểm ông mới tiếp quản Công ty, thị trường Đông Âu - thị trường số 1 về may mặc của đơn vị - lại gặp khó khăn, đang đứng bên bờ vực phá sản. Điều đó khiến Công ty không có đơn hàng, buộc phải chuyển sang khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, với đầu óc sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông đã chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Chỉ trong vòng 10 năm sau khi tiếp quản Công ty, ông đã cùng tập thể đơn vị lấy lại thị trường với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước Đông Âu, đặc biệt sang cả Mỹ.

 

Ông Thời là người đam mê với ngành thời trang nên gần như suốt quãng thời gian mấy chục năm qua, ông chỉ gắn với Công ty may mặc mang thương hiệu TNG. Là người có đầu óc tính toán, kinh doanh thức thời, ông nhận thấy cần phải cơ cấu lại mô hình từ công ty vốn Nhà nước sang công ty cổ phần để có thể cạnh tranh song phẳng hơn. Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch HĐQT đã phát triển vượt bậc với hàng loạt chi nhánh tại các địa phương trong tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động.

 

Cũng chông gai không kém, con đường trở thành DN thành đạt của ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh như một câu chuyện dài. Không ai nghĩ, ông lại bắt đầu khởi sự doanh nghiệp của mình khi đã nghỉ hưu.

 

Ông tham gia quân ngũ được 7 năm và trở về quê Đại Từ (1981) với hai bàn tay trắng. Sau khi đệ đơn xin làm chân bảo vệ ở một cơ quan trên tỉnh nhưng không được nhận, ông đã quyết định đi học đại học. Khi ra trường ông xin vào làm tại Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Thái. Quãng thời gian dài ở đây ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh và luôn nung nấu ý định thành lập doanh nghiệp riêng để quản lý. Bởi vậy, sau khi nghỉ chế độ với vốn liếng tích lũy được, ông thành lập Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn cả về vốn, nhân sự và quan hệ khách hàng, song ông đã cùng với tập thể Công ty vượt qua tất cả. Với cái đầu nhanh nhạy, có khả năng quản lý kinh tế tốt, ông được cộng đồng DN Thái Nguyên vị nể, thường nhờ tư vấn về tài chính. Do có khối óc linh hoạt, nên hiện tại ông đang là chủ tịch HĐQT của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ông còn là thành viên trong HĐQT của Công ty Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

 

Là lớp trẻ tuổi hơn, có cái tinh anh, nhanh nhạy cần thiết của DN thế hệ mới, nên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG, anh Trần Đức Hạnh ở tuổi 40 đã có một cơ nghiệp đáng ngưỡng mộ. Từ một thanh niên nông thôn nghèo nhưng ham mê học hành, giờ anh đã là tiến sĩ đứng đầu một doanh nghiệp khoa học công nghệ nổi tiếng của tỉnh với các loại hình sản xuất từ vắc xin, chế phẩm sinh học, rượu đến thức ăn chăn nuôi. Trong tay anh đang sở hữu hệ thống các nhà máy sản xuất với vốn đầu tư ban đầu lên tới cả nghìn tỷ đồng. Để có cơ ngơi như ngày nay, ít người biết rằng, anh đã trải qua rất nhiều công việc, từ đào ao, gói bánh, đóng than rồi đi rao bán đồ lặt vặt. Con đường khởi nghiệp của anh cũng nhiều lận đận, nhưng chính những điều đó đã giúp anh mau trưởng thành và trở thành DN thành đạt trẻ tuổi của tỉnh.

 

Các nhân vật chúng tôi nói đến trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm DN thành đạt của tỉnh. Trong đó, có thể kể tên một số nhân vật như: DN Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đang sở hữu một nhà máy luyện gang công suất 60 nghìn tấn/năm và là chủ đầu tư một số dự án quy mô lớn; DN Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp Việt Cường, sở hữu hệ thống sản xuất bê tông thương phẩm và các nhà máy gạch tuy nel, gạch không nung số 1 ở địa phương; DN Trương Đình Việt, Chủ tịch HĐQT của một số công ty, trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi; DN Nguyễn Huy Quý, Giám đốc Công ty CP ĐTXD và khai thác khoáng sản Thăng Long chuyên khai thác vàng sa khoáng; DN Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng đang quản lý, điều hành một số nhà máy, đơn vị kinh doanh và hệ thống nhà phân phối thép đứng đầu tỉnh; DN Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc Doanh nghiệp Trung Thành chuyên kinh doanh các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu; DN Phùng Tiến Bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Tiến Bộ sở hữu các dự án khu chung cư hiện đại trên địa bàn; DN Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Khách sạn - Du lịch Dạ Hương đang quản lý hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành uy tín…

 

Việc có càng nhiều DN thành đạt sẽ tạo sức mạnh cho nền kinh tế địa phương, bởi kinh tế phát triển là nhờ chủ yếu vào các doanh nghiệp, DN. Xin được kết thúc bài viết này bằng lời chia sẻ tâm huyết từ một DN thành đạt của tỉnh: Kinh tế giờ đây không dành cho những người kinh doanh cơ hội, chộp giật, mà phải là sự nghiệp bền lâu của doanh nghiệp, DN, và khi đã là sự nghiệp thì gần như phải theo suốt cả cuộc đời, thậm chí là nhiều thế hệ. Muốn vậy, rõ ràng các doanh nghiệp, DN phải chọn con đường, phương pháp phát triển bền vững và chỉ có những doanh nghiệp phát triển bền vững mới có thể làm giàu cho bản thân, cho gia đình và mới giúp đất nước giàu mạnh, xã hội phát triển.