Dai dẳng vấn đề giải phóng mặt bằng một dự án (Kỳ I)

10:30, 24/02/2017

4 năm trở lại đây, Công ty Than Khánh Hoà (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP) luôn trong tình trạng khó khăn, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, doanh thu không bù đắp được chi phí nên lâm vào tình trạng thua lỗ vài chục tỷ đồng, đời sống, việc làm của người lao động vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là vấn đề mặt bằng bãi đổ thải phía Tây (xã An Khánh, huyện Đại Từ) chưa được giải quyết kịp thời và nguy cơ đơn vị này sẽ phải ngừng hoạt động trong tháng 4 tới.      

Giải pháp tạm thời không còn tác dụng

 

Tâm trạng lo lắng của người lao động

 

Lo lắng trước tình cảnh bi đát của đơn vị thành viên, 3 năm trước, ban lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP đã đưa ra giải pháp bất đắc dĩ là điều động thiết bị chuyên dụng và hàng trăm cán bộ, công nhân của Công ty Than Khánh Hoà đến tỉnh Quảng Ninh để bóc đất đá phục vụ khai thác than cho các đơn vị khác thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam. Những cán bộ, công nhân còn lại của đơn vị phải chia sẻ khó khăn với nhau bằng cách đi làm luân phiên hưởng mức lương cơ bản; thắt chặt chi tiêu nhằm kéo dài thời gian hoạt động, chờ mặt bằng sản xuất… Những giải pháp này chỉ có tác dụng tức thời và giờ khó có thể cứu vãn được doanh nghiệp.

 

Trong năm 2015 và 2016, với sự vào cuộc tích cực của UBND T.P Thái Nguyên và nỗ lực của Công ty Than Khánh Hoà nên một số điểm tại xã Phúc Hà được tận dụng để mở rộng bãi đổ thải phía Nam, giúp đơn vị hoạt động cầm chừng. Nhưng đến nay, bãi đổ thải phía Nam đã kín, việc nâng độ cao các điểm đổ thải hiện tại của Công ty Than Khánh Hoà không được phép thực hiện vì nguy cơ mất an toàn. Do vậy, sau ngày làm việc đầu Xuân Đinh Dậu 2017 (ngày mùng 6 Tết), không khí lo lắng lại bao trùm từ trụ sở Văn phòng điều hành tới các khu vực sản xuất của Công ty Than Khánh Hoà. Gần 1.000 cán bộ, công nhân của Công ty Than Khánh Hoà đã nắm rõ thực trạng sản xuất, kinh doanh của đơn vị thời gian qua nhưng khi nghe tin khả năng ngừng hoạt động trong tháng 4 tới khiến ai cũng lo lắng.

 

Không có việc làm, chúng tôi lấy gì để sống? Đó là câu hỏi thường trực khi chúng tôi gặp một số cán bộ hay những người công nhân đang làm việc dưới moong của Công ty Than Khánh Hoà. Ông Trịnh Hồng Ngân, Quyền Giám đốc Công ty Than Khánh Hoà chia sẻ: Tập thể cán bộ, công nhân đã đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong suốt 4 năm qua và đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế như cắt giảm lao động, cắt giảm sản lượng, tiết kiệm chi phí nhưng đời sống của người lao động ngày càng khó khăn. Mặt bằng đổ thải không có, sản xuất phải thu hẹp nên nhiều năm nay Tổng Công ty phải cấp bù chi phí để đảm bảo tiền lương cho người lao động và bù đắp các khoản chi phí khác. Lương của cán bộ, công nhân, các khoản chi phí khác vẫn phải trả trong khi sản xuất hiệu quả thấp thì doanh nghiệp tồn tại sao được…

 

Tìm hiểu sâu hơn về đặc thù khai thác than của Công ty Than Khánh Hoà, chúng tôi được biết đơn vị này khai thác theo cả hai phương thức lộ thiên và hầm lò. Tuy nhiên, khai thác hầm lò gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp nên khai thác theo phương pháp lộ thiên chiếm cơ bản sản lượng của đơn vị. Khai thác lộ thiên thì điều kiện bãi đổ thải là yếu tố sống còn, nhưng hiện nay nhu cầu đổ thải duy nhất của Công ty tại bãi đổ thải phía Tây lại rất vướng mắc, có dấu hiệu trở thành điểm nóng khi người dân xã An Khánh thường đánh kẻng, tâp trung hàng trăm người ngăn cản việc doanh nghiệp đổ thải trên phần đất đã đền bù.

 

Hệ quả nếu doanh nghiệp này ngừng hoạt động

 

Việc khai thác than ở mỏ Khánh Hoà đã được thực hiện từ năm 1949 và có đóng góp rất lớn vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh cũng như cả nước. Đến nay, đơn vị này vẫn còn giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh vì cung cấp nguyên, nhiên liệu chính cho hai nhà máy nhiệt điện, hai nhà máy xi măng và nhiều tổ chức, cá nhân khác ở trong, ngoài tỉnh. Như vậy, khi cơ sở này ngừng hoạt động sẽ bất lợi cho tỉnh về việc duy trì, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Cả nghìn hộ dân có người nhà làm tại đây hay các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ cho đơn vị này cũng sẽ bị xáo trộn do mất việc làm, không đảm bảo thu nhập…

 

Trong quy hoạch và thực tế phát triển công nghiệp của tỉnh, nhiệt điện và sản xuất xi măng đóng vai trò rất quan trọng. Ở nhóm ngành này, Công ty Than Khánh Hoà là mắt xích không thể thiếu khi nhận nhiệm vụ cung cấp than nguyên liệu chính cho Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn và Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh. Đối với sản xuất xi măng cũng vậy, nhiên liệu phục vụ sản xuất của Công ty cổ phần Xi măng La Hiên do Công ty Than Khánh Hoà cung cấp. Đặc biệt là ngoài nhiên liệu, nguyên liệu đá phục vụ sản xuất của Công ty cổ phần Xi măng Quan Triều là sản phẩm sau khai thác than của Công ty Than Khánh Hoà. Tất nhiên, khi không còn nguồn nguyên, nhiên liệu tại Công ty Than Khánh Hoà, các đơn vị trên vẫn có thể sử dụng sản phẩm trong nước hoặc nhập khẩu nhưng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế, khả năng thua lỗ vì mất chi phí vận chuyển, thiếu sự ổn định. Riêng 3 đơn vị là: Công ty cổ phần Nhiệt điện Cao Ngạn, Công ty cổ phần Xi măng La Hiên và Công ty cổ phần Xi măng Quan Triều sẽ mất lợi thế và tính chủ động, làm giảm hiệu quả trong sản xuất kinh doanh vì ngay từ khi xây dựng  các đơn vị đã lựa chọn địa điểm gần mỏ than Khánh Hòa và đã được UBND tỉnh chấp thuận. 

 

Một vấn đề xã hội không nhỏ đối với tỉnh là sẽ có gần 1.000 cán bộ, công nhân mất việc làm, thu nhập khi Công ty Than Khánh Hoà ngừng hoạt động. Đây là đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh và đã trải qua mấy thập kỷ hưng thịnh nên nhiều gia đình (nhất là tại xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương và các phường phía Bắc của T.P Thái Nguyên) có tới 2, 3 thế hệ gắn bó cả đời với nghề khai thác vàng đen. Chính vì thế, mỏ - moong đã là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của lớp lớp cán bộ, công nhân. Xét cả về giá trị vật chất, tinh thần, cán bộ, công nhân của Công ty Than Khánh Hoà và người thân của họ đều rất mong cấp uỷ, chính quyền địa phương và Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV- CTCP sẽ có giải pháp quyết liệt để doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả trở lại.

 

Trong hoàn cảnh Công ty Than Khánh Hoà đã đầu tư trên 400 tỷ đồng mua sắm phương tiện hiện đại, chuyên dụng để thực hiện Dự án nâng công suất lên 800 nghìn tấn than sạch/năm theo chỉ đạo của Chính phủ và đã thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt cơ bản mà không thể sản xuất thì tất sẽ phải phá sản. Điều này chắc không ai mong muốn, đặc biệt những người dân ở xã An Khánh, huyện Đại Từ…

 

Ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Cao Ngạn cho biết: Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị hiện nay lấy từ Công ty Than Khánh Hoà theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Nếu Công ty Than Khánh Hoà ngừng hoạt động, buộc đơn vị phải sử dụng nguồn than ở ngoài tỉnh. Như vậy, chi phí vận chuyển tăng, giá bán điện buộc phải tăng theo. Ngoài ra, hệ thống giao thông trong tỉnh cũng sẽ bị ảnh hưởng vì lượng than tiêu thụ của Công ty lên đến vài chục nghìn tấn mỗi năm.

Ông Nguyễn Xuân Hoan, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khánh Hoà: Công đoàn Công ty sẽ tiếp tục động viên người lao động đoàn kết, vượt qua khó khăn nhưng cũng khẩn thiết mong cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh vào cuộc giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng bãi đổ thải phía Tây để đơn vị sản xuất, tạo việc làm, thu nhập. Người lao động trong Công ty thiếu việc làm hoặc mất việc hẳn sẽ khiến gia đình họ đảo lộn…