Đảm bảo nguồn cây giống chất lượng

09:37, 09/02/2017

Chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2017 đạt hiệu quả cao, hiện nay, ngành Nông nghiệp - PTNT đang phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra tất cả các vườn ươm cây giống trên địa bàn nhằm bán ra thị trường những mẻ cây giống đảm bảo chất lượng.

Là một trong những đơn vị cung ứng giống cây lâm nghiệp lớn của tỉnh, thời điểm này, Doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đang tiến hành chăm sóc, đảo bầu giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Dương Văn Lượng, Giám đốc Doanh nghiệp chia sẻ: Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cây giống ít bị nhiễm sâu bệnh hơn mọi năm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, khi cây đảm bảo các tiêu chuẩn mới xuất bán. Nhằm phục vụ nhu cầu cây giống vụ mới tăng cao, ngay từ tháng 10-2016, chúng tôi đã tạo luống, dồn bầu và tra hạt đồng loạt để bảo đảm đúng thời vụ. Các khâu chọn đất, đóng bầu thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Túi bầu, hạt giống đều được nhập tại những cơ sở có uy tín, chất lượng, rõ nguồn gốc, được tuyển chọn, cấp phép sản xuất, kinh doanh theo quy định. Giữa các luống, chúng tôi đã đầu tư hệ thống đường bê tông cùng giàn phun tưới đồng bộ. Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng hơn 70 vạn cây keo úc cho người trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Hiện, toàn bộ diện tích cây con đều đang sinh trưởng tốt, dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4 là có thể xuất những mẻ cây giống đầu tiên.

 

Được biết, toàn tỉnh hiện có 101 vườn ươm, có khả năng cung cấp gần 17 triệu cây giống các loại như: Keo, lát, sấu, trám... đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Để tăng cường quản lý chất lượng cây giống tại các vườn ươm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra từ lúc gieo ươm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại hạt giống. Đối với các hộ gieo ươm phải ghi vào sổ nhật ký thời điểm, số lượng, chủng loại gieo ươm, có sơ đồ vườn ươm và quy hoạch mỗi loại cây 1 ô riêng. Đến khi cây được xuất bán, các hộ phải có thông báo kết quả sản xuất cây con ở vườn ươm, sau đó cán bộ Chi cục Kiểm lâm đi kiểm tra, xác định số cây đủ điều kiện xuất vườn, sau đó mới đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cây con giống. Về giá bán, đối với các đơn vị sản xuất cây giống cho các dự án có nguồn vốn Nhà nước thì do Nhà nước định giá. Đối với các hộ sản xuất tư nhân, người dân tự định giá bán.

 

Vài năm trước đây, trên địa bàn tỉnh ta, việc kinh doanh hạt giống, cây giống có xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, không được kiểm nghiệm. Nhiều cây giống có năng suất, chất lượng thấp vẫn được các hộ dân sử dụng trồng rừng, ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng, hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, việc mua phải cây giống không đảm bảo chất lượng dẫn đến hậu quả cây trồng chỉ ba, bốn năm tuổi gặp điều kiện thời tiết gió, bão rất dễ gãy đổ. Bởi vậy, giống cây trồng là nhân tố hàng đầu quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 3.990ha rừng. Rút kinh nghiệm từ vụ trồng rừng năm 2016, do trồng vào thời điểm nắng nóng, cộng với giống cây quế được vận chuyển từ địa phương khác đến không đúng quy trình, kỹ thuật đã khiến gần 30% diện tích quế của huyện Định Hóa bị chết. Năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường công tác quản lý các vườn ươm để đảm bảo chất lượng cây giống. Cụ thể, Chi cục đã cho rà soát lại tất cả các vườn ươm. Đối với các đủ điều kiện cho thông báo trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để người dân được biết. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chi cục thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật, cán bộ kiểm lâm địa bàn giám sát; kịp thời hướng dẫn các chủ vườn ươm xuống giống đúng thời vụ và kiểm tra từ khâu đóng bầu, gieo hạt đến quá trình chăm sóc. Đồng thời, yêu cầu các vườn ươm cam kết cây giống phải đạt tiêu chuẩn 30cm, đường kính 0,3cm mới được phép xuất vườn để đưa lên rừng trồng. Trong phát triển rừng, công tác sản xuất cây giống luôn được ngành lâm nghiệp chú trọng, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây giống lâm nghiệp.