Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

11:06, 15/02/2017

Với phương châm tạo sinh kế để phát triển bền vững, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách chung của cả nước, T.X Phổ Yên đã và đang ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Trên địa bàn T.X Phổ Yên có khoảng 3.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 15.000 nhân khẩu, sống tập trung ở 31 thôn, xóm (chiếm gần 10% tổng số dân toàn thị xã). Nhờ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Phổ Yên đã giảm xuống dưới 20%.

Ao Sen vốn là xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Thành Công, thế nhưng một vài năm trở lại đây đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Ông Dương Văn Hồng, Bí thư Chi bộ ghép 2 xóm Hạ Đạt và Ao Sen cho biết: Xóm có 33 hộ thì toàn bộ là dân tộc Sán Dìu. Nhờ có chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nên kinh tế của người dân đã sung túc lên nhiều. Đặc biệt, từ giữa năm 2016, tuyến đường liên xóm Ao Sen - Hạ Đạt tới trung tâm xã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 (chiều dài 1,2km, mặt đường đổ bê tông dày 16cm, tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng) đã giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân thuận tiện hơn. Cùng với đường giao thông, nhiều hộ trong xóm còn được hỗ trợ vốn, cây con giống để phát triển sản xuất. Đến nay, hơn 80% số hộ trong xóm có mức sống khá, hầu hết gia đình đã có xe máy và phương tiện nghe nhìn.

 

Không riêng xóm Ao Sen, các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thành Công cũng được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội như: Làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, hỗ trợ kinh phí mua máy móc nông nghiệp như: máy xay xát, máy cày, máy tẽ ngô, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa các cây, con giống mới vào sản xuất… Ông Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công cho biết: Với đặc thù là xã vùng 3, có hơn 1/3 là đồng bào dân tộc thiểu số nên chúng tôi xác định ưu tiên nguồn lực cho xóm khó khăn. Về cơ chế, xã tập trung hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, vốn và tư liệu sản xuất để bà con có “cần câu”, có từ đó tự vươn lên giảm nghèo bền vững.

 

Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn Chương trình 135 triển khai trên địa bàn T.X Phổ Yên gần 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, thị xã đã đầu tư xây dựng 17 tuyến đường giao thông, 5 công trình thuỷ lợi, 3 nhà văn hoá và 1 công trình điện sinh hoạt… Chương trình cũng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy hoạt động văn hoá, trợ giúp pháp lý, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường... Cùng với đó, nhiều chương trình, chính sách khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, già làng, trưởng thôn bản khó khăn, gia đình chính sách ở các xã khu vực II, III; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… cũng được thị xã triển khai hiệu quả. Những năm qua, T.X Phổ Yên còn thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ cho các hộ dân phát triển sản xuất như đưa các giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2016, đã có hơn 800 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng; gần 11 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp. Ông Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Đức phấn khởi: Đồng thuận với các chính sách của Nhà nước, bà con dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn đã rất tích cực, chủ động trong việc hiến đất, đóng góp ngày công để thực hiện các công trình tập thể, cũng như đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của cấp trên.

 

Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, T.X Phổ Yên cũng lồng ghép các nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là việc khuyến khích phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao diện tích và chất lượng cây chè tại các xã có điều kiện thuận lợi như: Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, thị trấn Bắc Sơn. Nhờ thực hiện việc thay thế bằng các giống mới nên hiện nay năng suất chè búp tươi trên địa bàn đã đạt khoảng 100 tạ/ha/năm. Thị xã cũng hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Phúc Thuận; khu vực chăn thả gia súc, kết hợp phát triển lâm nghiệp tại Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công… Ông Đặng Quang Trung, Trưởng phòng Dân tộc T.X Phổ Yên khẳng định: Với mục tiêu tạo sinh kế phát triển triển bền vững, từng bước giảm sự chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng miền, Phổ Yên sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, các chương trình dự án để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giúp đời sống bà con nâng lên.