Hàng Việt “hút” người tiêu dùng Thái Nguyên

16:28, 15/02/2017

Ngày đầu năm Đinh Dậu 2017, chúng tôi đã đi tìm hiểu tại một số đại lý, cửa hàng bán buôn, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với giá bán phải chăng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước rất “hút” khách không chỉ vào  dịp Tết Nguyên đán mà cả trong ngày thường.

Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh đạt khoảng 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2015. Trong đó, nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm đạt 6,1 nghìn tỷ đồng; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 2,3 nghìn tỷ đồng; nhóm hàng may mặc: 1,5 nghìn tỷ đồng... Điều đáng nói là khoảng 50% mặt bán lẻ như hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ gia đình... là hàng sản xuất trong nước.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm xúc tiến Thương mại Thái Nguyên ở số 366/1, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Chị Lê Thanh Thuỷ, Giám đốc Trung tâm nhận định: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng hàng bán ra tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần so với ngày thường. Các mặt hàng được người tiêu dùng tìm mua chủ yếu là bánh, mứt, kẹo, nước giải khát. Đặc biệt là mặt hàng miến của Hợp tác xã Miến Việt Cường, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ); bưởi Diễn được trồng ở xã Tiên Hội (Đại Từ); gạo Bao thai Định Hoá… được rất nhiều người tìm mua. Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu như bánh, kẹo, nước giải khát, gạo… đã hết, chúng tôi đang tiếp tục “nhập” thêm hàng về để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp đầu năm.

 

Tương tự, tại Siêu thị Minh Cầu ở đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên), lượng hàng hoá như bánh, mứt, kẹo mang nhãn hiệu Kinh Đô, Bibica, Hồng Hà, Hữu Nghị; bia Halida, Hà Nội, Sài Gòn...  cũng đã được tiêu thụ gần hết. Chị Trịnh Hoàng Ly, tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mua các mặt hàng như bia, rượu, bánh, kẹo có xuất xứ trong nước, tôi thấy rất yên tâm vì không lo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Ở các vùng nông thôn trong tỉnh, người dân cũng rất ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Chị Nguyễn Thị Hạnh, hộ kinh doanh hàng tạp hoá ở xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) nói: Năm nay, tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng để “nhập” các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất về bán, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tôi thấy mặt hàng mứt của Hữu Nghị, kẹo Hải Hà, bánh Kinh Đô… bán rất chạy. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi không “nhập” các loại bánh, kẹo, rượu… do Trung Quốc sản xuất về bán nữa vì người dân có tâm lý đề phóng các mặt hàng này.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ “hút” khách trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng có xuất xứ Việt Nam còn được người dân Thái Nguyên tin tưởng sử dụng hằng ngày. Theo chị Vũ Thị Hồng, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên): Các loại nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống như nước mắm, muối, mì chính, gạo, đường cho đến khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo… gia đình tôi đang sử dụng đều có xuất xứ trong nước. Tôi thấy chủng loại các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khá phong phú, chất lượng đảm bảo, giá bán hợp lý…

 

Thực tế trên cho thấy, hàng Việt Nam đang có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường Thái Nguyên. Đây là tín hiệu đáng mừng sau hơn 7 năm tỉnh Thái Nguyên hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành trong tỉnh. Trong đó, đơn vị có nhiều đóng góp để Chương trình thật sự hiệu quả phải kể đến là Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương). Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được khoảng 20 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”. Riêng năm 2016, Trung tâm đã tổ chức được 3 chương trình ở các xã: Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên); Quân Chu (Đại Từ); Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hút gần 20 nghìn lượt người dân đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đặc biệt, ngày 6-9-2016, Trung tâm đã khai trương Điểm bán hàng Việt Nam. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng Điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều người tiêu dùng tìm đến.

 

Qua các hoạt động của Trung tâm đã góp phần tuyên truyền, quảng bá để đưa hàng Việt đến gần với người dân hơn. Từ đó, hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam của người dân Thái Nguyên. Đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường…

 

Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh nhưng trên thực tế, hàng “nội” vẫn có nguy cơ bị hàng “ngoại” lấn lướt khi nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có ưu thế về mẫu mã, chủng loại và chất lượng... Do đó, để thị phần các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường Thái Nguyên một cách bền vững, các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh cần có sự liên kết, cải cách toàn diện, sản xuất ra những hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; còn người tiêu dùng cần đòi hỏi các chứng chỉ về chất lượng để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Về phía các cấp, ngành chức năng của tỉnh, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đưa sản phẩm hàng hoá trong nước đến gần với người dân hơn thì cần nỗ lực chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ hàng Việt Nam chân chính. Đặc biệt, các cơ quan Nhà nước liên quan cần tăng cường kiểm tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có chế tài nghiêm đối với các sản phẩm hàng giả, hàng nhái…