Về làng nghề xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) hỏi đến nhà ông Lê Quang Nghìn không ai là không biết. Bởi, từ lâu gia đình ông có tiếng làm chè ngon, ông từng được vinh danh là điển hình trong mô hình sản xuất kinh tế giỏi của tỉnh và thành phố.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm chè ông Nghìn chia sẻ: Gia đình tôi đã có 5 đời gắn bó với cây chè, từ nhỏ thì tôi đã được truyền dạy cho bí quyết trồng chè và chế biến chè. Chè thì ở đâu cũng có nhưng không phải ở đâu cũng ngon, bởi ngoài yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng thì đòi hỏi người làm chè phải khéo léo trong từng khâu chế biến. Trong các công đoạn chế biến chè thì sao chè được xem là khâu quan trọng hơn cả bởi người chế biến không những phải dùng đến thị giác của mình mà còn phải dùng khứu giác, xúc giác nghĩa là mắt phải luôn nhìn để theo dõi sự thay đổi trong màu sắc của chè, tay phải sờ vào thì mới cảm nhận được chè đã đủ khô chưa và phải đưa chè lên mũi để kiểm tra xem chè đã đủ dậy hương chưa.
Nhận thấy việc sao chè bằng tay và làm chè thủ công không mang lại thu nhập cao cho gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua máy sao chè, máy vò chè và lắp đặt dàn phun nước tưới cho cây chè nhằm nâng cao chất lượng chè và giảm thiểu sức lao động. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, toàn bộ diện tích hơn 8.000m2 chè của gia đình ông đều áp dụng sản xuất theo quy trình VietGap, nhờ đó mà năng suất và sản lượng chè đã tăng lên đáng kể. Trước đây, cùng diện tích hơn 8.000m2 đất trồng chè chỉ cho thu hoạch 3,5 tấn chè búp khô/năm nhưng từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với việc đưa quy trình sản xuất chè VietGap vào thì năng suất chè của gia đình ông đã tăng lên đến 4 tấn chè búp khô/năm. Chất lượng chè được đảm bảo hơn và cũng từ đó mà “thương hiệu” chè của gia đình ông ngày càng tạo được chỗ đứng và niềm tin trong lòng người tiêu dùng. Ông Nghìn chia sẻ: Quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP đòi hỏi khắt khe đó là chè được trồng ở đồi chè có độ dốc bình quân hợp lý, dồi dào nước ngầm, mùa mưa thoát nước nhanh, không bị úng; Nguồn nước, đất và không khí không bị nhiễm độc chất hóa học và vi sinh vật; giống chè thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Chè phải luôn được chi cục quản lý, chi cục bảo vệ thực vật lấy mẫu kiểm tra liên tục…
Với hơn 8.000 m2 đất chủ yếu dành cho trồng chè, thu nhập từ việc sản xuất chè của gia đình ông lên đến 400-500 triệu đồng/năm, trừ các chi phí cho thu lãi từ 250- 300 triệu đồng/năm. Loại chè gia đình ông sản xuất chủ yếu là chè búp khô, trong đó có 3 loại đó là “chè móc câu” truyền thống, giá bán dao động từ 250- 400 nghìn đồng/kg, đây là loại chè được bán chạy nhất và dễ dàng được tiêu thụ nhất; “chè tôm nõn” có giá bán dao động từ 500- 650 nghìn đồng/kg; “đinh trà” có giá thành dao động từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/kg, loại chè này chỉ làm theo đơn đặt hàng vì giá thành khá cao. Đến nay, các mặt hàng chè của gia đình ông không những được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết đến mà người tiêu dùng ở các tỉnh khác cũng đã biết đến và đặt mua như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng,Nam Định…
Không những có công đóng góp trong việc tạo dựng tên tuổi cho vùng chè Tân Cương và mang thứ hương vị đặc biệt này đi đến khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc mà ông Nghìn còn là người đã có công lao rất lớn trong việc giúp vùng chè nơi đây trở thành vùng chè du lịch. Được biết, ông từng được đào tạo qua lớp du lịch cộng đồng năm 2013 nên từ khi xã Tân Cương chưa được công nhận là “vùng chè du lịch” thì đã từng có rất nhiều đoàn khách du lịch tìm đến gia đình ông và đến với vùng trà Tân Cương để thăm quan và mua trà, tính đến nay phải có đến 500- 600 lượt người, thậm chí có cả những du khách ở nước ngoài đã tìm đến đây.
Với ước mơ mang thương hiệu chè Tân Cương đi tới mọi miền Tổ quốc và trên cả thế giới nên nhiều năm qua ngoài việc vận động ông còn chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ người dân trong xã cùng trồng chè và sản xuất chè an toàn. Tháng 11 năm 2015, ông đã hợp tác trong việc cung cấp nguyên liệu chè sạch và nơi làm việc để chế biến bột trà Matcha cho Công ty TNHH Tâm Thái ViệtNamdo một số bạn sinh viên của trường đại học Công Nghiệp Thái Nguyên thành lập.
Những nỗ lực vươn lên không ngừng của ông Lê Quang Nghìn trong phát triển kinh tế đã mang lại kết quả, giờ đây ông đã có một cơ nghiệp vững vàng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đức Doãn, người dân trong xóm cho biết: Nói đến ông Lê Quang Nghìn thì ở địa phương tôi, ai cũng thán phục. Bởi không chỉ là người giỏi làm kinh tế, ông Nghìn còn là người nhiệt tình, luôn giúp đỡ người khác, nhiều năm qua ông Nghìn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trồng chè, làm chè, giới thiệu giống chè có năng suất, chất lượng cao cho các hộ gia đình trong xã để mọi người cùng chuyển đổi cơ cấu giống nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, từ đó cùng nhau vươn lên làm giàu”.
Phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Quy mô sản xuất chè của ông Lê Quan Nghìn tuy không phải là mô hình quy mô lớn song cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình, mô hình làm chè an toàn của ông là mô hình tiêu biểu, đáng để cho các hộ gia đình trên địa bàn xã noi theo.