Khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9

07:18, 24/02/2017

Dịch cúm gia cầm A/H7N9 hiện đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Còn ở nước ta, mặc dù chưa xuất hiện dịch bệnh này nhưng ở 6 tỉnh, thành gồm: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai và Quảng Ngãi đã có ổ dịch cúm A/H5N1. Trước tình hình trên, tỉnh ta đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan và ngăn ngừa bệnh lây sang người.

Đi thực tế tại xã Hoàng Nông (Đại Từ), một trong những ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 phát sinh năm 2010, chúng tôi quan sát thấy các hộ chăn nuôi ở đây đều có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh. Anh Nguyễn Văn Đắc, ở xóm Gốc Sữa cho biết: Đối với nông dân chúng tôi, bỏ vài chục triệu đồng đầu tư phát triển chăn nuôi là cả cơ nghiệp của gia đình. Vì thế, tôi rất chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm đầy đủ các loại vắc xin như Newcastle, Gumboro, dịch tả vịt, viêm gan... để đàn vật nuôi không bị nhiễm các loại dịch bệnh, nhanh lớn. Vừa qua, nhà tôi đã xuất bán 4.000 con vịt, giờ trong chuồng chỉ còn gần 100 con gà mái đẻ. Tuy vậy, tôi không lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh mà luôn theo dõi, vệ sinh chuồng trại hằng ngày.

 

Còn tại xã Phấn Mễ (Phú Lương), một trong những địa phương có số lượng trang trại, gia trại lớn nhất tỉnh, công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh máng ăn, khu vực chăn nuôi cũng được các hộ dân tự giác thực hiện. Anh Phạm Văn Hoán, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ cho biết: Nhà tôi nuôi 4.000 con gà lông trắng/lứa, trung bình 1 năm xuất bán 60 tấn gà. Sau khi có thông tin dịch cúm gia cầm A/H7N9 trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình tôi tiến hành phun sát trùng khu vực chăn nuôi và dọn dẹp chuồng trại 1 tuần 1 lần; phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh. Đồng thời, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn trước khi ra, vào trang trại.
Không chỉ tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch cúm, tại Trạm Kiểm dịch động vật nội địa và khu nuôi nhốt cách ly kiểm dịch (Chi cục Chăn nuôi - Thú y) thời điểm này, hoạt động kiểm tra, kiểm soát động vật lưu thông cũng được tăng cường.

 

Ông Kiều Đức Lục, Trưởng trạm cho biết: Trạm hiện có 7 cán bộ, nhân viên. Những ngày này, chúng tôi duy trì quân số trực 24/24 giờ để kiểm soát, nắm bắt tình hình lưu thông gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Đối với xe vận chuyển đàn gia cầm không chứng minh được nguồn gốc, chúng tôi sẽ cho tiêu hủy ngay. Ngoài ra, tại trạm cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc khử trùng tiêu độc để sẵn sàng sử dụng trong trường hợp cần thiết.

 

Được biết, trên địa bàn tỉnh ta trong 2 tháng đầu năm 2017, tại một số huyện, thành, thị đã xuất hiện tình trạng xác gia súc, gia cầm chết vứt ra ngoài sông, suối, kênh, mương... làm ô nhiễm môi trường và phát sinh nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt là dịch cúm gia cầm có nguy cơ, lây lan, tái bùng phát tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, vùng chăn nuôi tập trung trong thời gian tới là rất cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Phúc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Sau khi có thông tin về dịch cúm gia cầm A/H7N9, Chi cục đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh trên động vật. Đối với các xã, thị trấn cần tiến hành phun thuốc sát trùng tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, chợ, tụ điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các hộ chăn nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành bao vây, thực hiện các biện pháp dập tắt ổ dịch, tránh để lây lan.

 

Đối với các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn thời điểm này cần nhập giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh ốm chết cần báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không tiếp tay cho việc buôn bán gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm. Đối với người tiêu dùng, không vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm ốm chết sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nếu thấy biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.