Do biết khắc phục những khó khăn về địa hình, đất đai để tìm ra hướng đi đúng, phù hợp, nên những năm gần đây, đời sống người dân xã Lục Ba (Đại Từ) đã từng bước được nâng lên, số hộ nghèo liên tục giảm, dần xóa tên khỏi danh sách xã nghèo của tỉnh.
Lục Ba là một trong những xã nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc nên mùa nước lên, nhiều diện tích đất bị ngập không thể canh tác được. Tiếng là xã thuần nông, mà diện tích đất canh tác lại chẳng có nhiều, toàn xã rộng 1.353ha, trong đó chỉ có gần 70ha cấy lúa 2 vụ, còn lại chủ yếu là đồi núi thấp và mấp mô, thế nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân vô cùng vất vả. Năm 2008, thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ đạt 350.000 đồng/người/tháng. Sau nhiều năm chính quyền và nhân dân Lục Ba loay hoay tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm để giải bài toán trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện địa phương, đến nay lời giải đã được hé mở. Toàn xã có trên 1.250 hộ sinh sống ở 8 xóm. Đi một vòng quanh xã có thể dễ dàng nhận ra, Lục Ba được chia thành 2 vùng rõ rệt. Đối với 5 xóm thuộc vùng bán ngập, bà con cấy một vụ lúa mùa và phát triển nuôi trồng thủy sản; đối với vùng đất cao, người dân tập trung đầu tư mạnh cho cây chè, đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với đặc thù diện tích đồi thấp nhiều, cây chè được xem là cây trồng chủ lực ở đây, chè không những xóa đói, giảm nghèo cho bà con mà nhiều hộ giàu lên nhờ trồng chè. Gia đình anh Ngô Văn Quang, xóm Văn Thanh là một trong những hộ như thế. Chỉ với 4 sào chè, nhưng do biết áp dụng kỹ thuật, chăm bón tốt nên chè của gia đình anh lúc nào cũng đạt năng suất cao và bán được giá. Anh Quang cho biết: Gia đình tôi trước vốn cũng là hộ nghèo, vợ chồng ra ở riêng chỉ có 4 sào chè cằn ông bà cho. Do là chè giống cũ, lại lâu năm nên năng suất rất thấp, sản phẩm chè khô bán cũng chẳng được bao nhiêu. Suy đi tính lại, tôi phá bỏ toàn bộ cả 4 sào chè trung du để trồng giống chè cành LDP1. Sau một thời gian tích cực chăm bón giờ chè đang cho thu rộ, năng suất đạt trên 10kg búp khô/sào, một năm thu 8 lứa, bán được gần 100 triệu đồng. Ngoài thâm canh diện tích chè trên, tôi còn chăn nuôi thêm, do vậy đời sống đã dần khá lên. Hiện nay, tôi đã có cơ ngơi khang trang, đời sống kinh tế ổn định ở mức khá.
Hiện toàn xã có 321,6ha chè, trong đó có 311ha chè kinh doanh. Những năm gần đây, ngoài việc mở rộng diện tích chè, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, trồng lại các diện tích chè già cỗi bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI 777... Riêng năm 2016, xã trồng mới, trồng thay thế được gần 15ha, vượt 58,8% kế hoạch. Bên cạnh đó, hằng năm, xã chỉ đạo nhân dân thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh và có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng. Hiện nay, xã đang chú trọng phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến, một số mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thực hiện có hiệu quả, mở ra hướng phát triển cây chè bền vững trong tương lai, đồng thời đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Cũng nhờ thâm canh, cải tạo tốt cây chè nên những năm gần đây năng suất, sản lượng chè của xã liên tục tăng qua các năm. Đến nay, năng suất bình quân khoảng 93 tạ búp tươi/ha, sản lượng đạt khoảng 2.480tấn/năm.
Cùng với cây chè, xã Lục Ba đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để người dân từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hằng năm, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để người dân có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Nếu như trước đây, việc chăn nuôi chỉ mang tính cải thiện bữa ăn cho mỗi gia đình ở Lục Ba, mỗi nhà nuôi 1-2 con lợn, vài con gà thì giờ đây ở Lục Ba có không ít mô hình chăn nuôi có quy mô hàng trăm con. Cùng với nhân đàn vật nuôi, mở rộng quy mô chăn nuôi, để việc chăn nuôi đạt hiệu quả, xã thường xuyên đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho trâu, bò… Ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm. Thế nên, trên địa bàn ít xảy ra dịch bệnh, đến nay, đàn gia súc gia cầm phát triển khá ổn định với tổng đàn gia súc trên trên 2.000 con, gia cầm trên 30.000 con.
Khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sau nhiều năm tích cực làm ăn, bà con Lục Ba đã tìm ra hướng đi phù hợp, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, dần xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Theo kết quả rà soát mới nhất, xã có 129 hộ nghèo, chiếm 10,23%, giảm so với đầu năm 2016 là 3,46%; số hộ cận nghèo là 149 hộ, bằng 11,85%, giảm 1,37% so với năm ngoái.