Nâng cao giá trị sản phẩm chè ở Đồng Hỷ

10:18, 20/02/2017

16 hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) sản xuất chè theo quy trình VietGAP trên địa bàn huyện Đồng Hỷ mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn chè  búp khô "an toàn". Điều đáng nói là các HTX, THT này đã giải quyết được nhiều vấn đề mà người trồng chè đơn lẻ thường gặp khó khăn, đó là vốn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX chè Nguyên Việt, ở xã Minh Lập được thành lập từ năm 2011 với 20 thành viên. Sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP từ 12ha chè nguyên liệu ở vùng Trại Cài. Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tuy có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn luôn giữ vững chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, đồng thời bảo đảm lợi ích của các thành viên. Toàn bộ diện tích chè nguyên liệu đều được các gia đình thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, HTX chủ động đứng ra cung ứng phân bón, vật tư và phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè cho các thành viên, đặc biệt là về quy trình, cách thức chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã khẳng định được vai trò đối với các thành viên, nhất là trong việc điều tiết sản xuất, cung ứng phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đồng thời xây dựng thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè của HTX trên thị trường. Năm 2016, doanh thu của HTX đạt 3,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng...

 

Đối với HTX Chè Tuyết Hương ở xã Hóa Trung, ngoài việc giúp đỡ các thành viên về kỹ thuật, mua phân bón trả chậm, vay vốn tín dụng với lãi suất thấp, cung cấp thông tin về thị trường, đơn vị cũng đã có những bước tiến tích cực trong việc xây dựng thương hiệu. Do đó, tuy mới thành lập được 4 năm nhưng HTX đã được nhiều khách hàng biết đến. Chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi thành lập, chúng tôi đã tập trung đầu tư các máy móc sản xuất chè hiện đại, như máy sao chè bằng ga; máy hút chân không… để có thể sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều. Vì sản xuất theo đúng quy trình VietGAP nên đầu ra đảm bảo hơn do khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường gần 5 tấn chè chất lượng cao... Chị Nguyễn Thị Hoa, một thành viên của HTX chia sẻ: Những năm trước, gia đình tôi chủ yếu trồng chè theo hướng hộ cá thể và giá chè chỉ bán được ở mức thấp, trung bình chỉ từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg, cá biệt mới có loại chè bán được với giá 200.000 đồng/kg. Từ ngày tôi tham gia vào HTX thì chè giá bán tăng 20-30% so với trước.

 

Tại THT sản xuất chè an toàn xóm 9, thị trấn Sông Cầu, các thành viên ở đây đã hình thành những nhóm chuyên biệt trong sản xuất, chế biến chè. THT có trên 40 thành viên thì một nửa trong số đó đảm nhiệm việc chuyên trồng, thu hái, một nửa số thành viên còn lại chịu trách nhiệm chế biến chè và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Trọng, Tổ trưởng THT sản xuất chè an toàn xóm 9, thị trấn Sông Cầu cho biết, việc hình thành những nhóm chuyên biệt như vậy giúp nông dân không phải đầu tư dàn trải, tập trung làm tốt phần việc mình đảm nhiệm. Sau 3 năm hoạt động, đến nay chúng tôi đã hợp tác được với 7 nhà phân phối lớn với nhiều đại lý trên 15 tỉnh, thành. Mỗi năm bán ra thị trường khoản 30 tấn chè "an toàn" với mức giá trung bình 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hạnh, một thành viên trong THT cho biết, gia đình tôi là hộ chỉ chuyên trồng, thu hái chè cung cấp cho các thành viên của làng nghề chế biến. Trước đây, khi chưa vào THT, ngoài vất vả tìm hiểu kỹ thuật trồng chè, tôi còn phải tính toán xoay vòng vốn, tự tìm thương lái để tiêu thụ sản phẩm và nhiều khi bị ép giá. Từ khi tham gia vào Tổ, những khó khăn trên đã được giải quyết. Gia đình tôi đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiết kiệm được chi phí về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, lại an toàn cho môi trường và sức khỏe bản thân nên tôi yên tâm sản xuất. Với gần 1ha chè thì mỗi tháng, gia đình tôi cũng thu được từ 4 đến 5 triệu đồng.

 

Được biết, huyện Đồng Hỷ có diện tích chè đứng thứ hai trong tỉnh, với diện tích trên 3,2 nghìn ha, trong đó chè kinh doanh gần 2,9 nghìn ha, năng suất ước đạt 121 tạ/ha/năm, sản lượng chè búp tươi đạt 34,8 nghìn tấn/năm. Cây chè tạo công ăn việc làm cho trên 13 nghìn hộ dân, chiếm khoảng 50% dân số toàn huyện. Sự ra đời của các HTX, THT sản xuất, chế biến chè theo quy trình VietGAP đã giúp người dân có những bước tiến trong nâng cao giá trị sản phẩm chè.

 

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Để cây chè phát triển bền vững, thời gian qua, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm đến các mô hình chè VietGAP, vận động các HTX, THT và người dân sản xuất theo quy trình này. Chúng tôi đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, tư vấn kỹ thuật và giải đáp thắc mắc cho nông dân, vận động họ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Qua đó, trên địa bàn đã có 5 HTX và 11 THT sản xuất chè theo quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP. Các HTX và THT đều đầu tư máy móc sản xuất, dây chuyền đóng gói sản phẩm; lượng hóa quy trình bón phân, chăm sóc cây chè; chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất thành phẩm chè búp khô; hình thành những nhóm chuyên biệt trong sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó, đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều, mẫu mã đa dạng, phong phú và có tư cách pháp nhân, tạo được niềm tin của người tiêu dùng.

 

Năm 2017, huyện Đồng Hỷ sẽ duy trì diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP đã xây dựng được tại các xã Hòa Bình, Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu. Đồng thời, xây dựng mới vùng chè an toàn với quy mô 12,69ha sản xuất theo quy trình VietGAP tại xã Văn Hán, nâng tổng số diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP được công nhận trên toàn huyện đạt 128,31ha.