Người làm bánh chưng đen ở Phú Lương

14:34, 16/02/2017

Nói đến bánh chưng đen, nhiều người thường nghĩ tới loại bánh đặc sản chỉ có ở Lạng Sơn hay ở một số tỉnh thành khác. Thế nhưng, hiện nay, ở huyện Phú Lương lại có gia đình đang sản xuất rất thành công loại bánh này, cho thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho không ít lao động tại địa phương. Người chúng tôi muốn nhắc đến đó chính là gia đình chị Phạm Thị Hạnh, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân xóm Quyết Tiến, xã Tức Tranh.

Kể cho chúng tôi nghe về lý do gia đình bắt đầu làm bánh chưng đen, chị Hạnh cho biết: Năm 2014, trong một chuyến đi chơi ở Lạng Sơn, tôi đã tình cờ được ăn thử loại bánh chưng đen của bà con dân tộc Thái. Thấy hương vị bánh khá ngon, lạ, ăn không gây nóng cổ như bánh chưng bình thường. Về nhà, tôi đã nảy ra ý tưởng làm bánh để bán vì ở xã, huyện chưa thấy nơi nào bán. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm nên những lần đầu làm bánh không được như yêu cầu, màu bánh không đen đẹp, thường bị hấy, đặc biệt là hương vị không giống như bánh tôi đã từng ăn. Làm nhiều lần không được cũng thấy nản nhưng nghĩ mình đã mất công tìm tòi nên quyết định làm tiếp. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã đúc rút ra được kinh nghiệm và sản xuất thành công loại bánh chưng đen như hiện nay.

 

Theo chị Hạnh, nguyên liệu làm bánh chưng đen không khác nhiều so với bánh chưng truyền thống tuy nhiên quá trình chuẩn bị lại phải cực kỳ cẩn thận, tỉ mỉ. Để bánh có màu đen đẹp, bóng thì việc chuẩn bị nước để ngâm gạo rất quan trọng. Nước dùng để ngâm gạo là hỗn hợp của nước cốt tro rơm nếp và lá cẩm. Để có tro rơm nếp, sau vụ gặt lúa mùa khoảng tháng 10 Âm lịch, chị thường đi lấy rơm của những gia đình cấy lúa nếp, phơi khô để đốt thành tro, tiếp đó rây lấy phần mịn nhất rồi lọc lấy nước. Với lá cẩm tím phải rửa sạch, sau đó luộc lên lấy nước, trộn lẫn với nước tro rơm nếp để ngâm gạo. Gạo nếp phải chọn gạo Nếp vải, hạt trắng, mẩy rồi đem ngâm với hỗn hợp nước tro và lá cẩm theo thời gian nhất định. Sau đó mới trộn với vừng đen đã được rang thơm và xay mịn. Khi trộn phải miết mạnh hạt gạo trên đầu ngón tay, thấy vẫn tròn vẹn màu đen nhánh mới đạt và bắt đầu gói, luộc như làm bánh chưng truyền thống.

 

Khi đã sản xuất thành công bánh chưng đen, để nhiều người biết đến loại bánh thơm ngon này, chị Hạnh đã đăng ký tham gia nhiều hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm của mình trên địa bàn huyện và tỉnh như: Lễ hội đền Đuổm, Festival Trà Thái Nguyên 2015, Hội trợ triển lãm hàng nông sản khu vực phía Bắc tại Thái Nguyên... Nhờ đó, theo thời gian, nhiều người đã biết đến bánh chưng đen và ưu tiên  chọn lựa sử dụng thay cho bánh chưng thông thường. Nhiều nhà hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã đặt lấy hàng lâu dài với số lượng lớn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, gia đình chị Hạnh xuất bán được khoảng 3.000 chiếc, với giá bán 50 nghìn đồng/chiếc, gia đình chị thu 150 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí thu lãi khoảng gần 20 triệu đồng/tháng.

 

Do khách hàng đặt với số lượng lớn nên gia đình chị Hạnh phải thuê thêm từ 5-6 lao động tại địa phương cùng làm với mức thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lục Thị Lan, người dân ở xóm Quyết Tiến làm thêm tại gia đình chị Hạnh cho biết: Gia đình tôi chủ yếu sản xuất chè, mỗi lứa cho thu khoảng 1,5 tạ chè búp khô. Tuy nhiên vào mùa đông, diện tích chè không chủ động được nguồn nước nên không thể sản xuất chè đông. Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi đã tìm đến gia đình chị Hạnh để làm thêm tăng thu nhập cho gia đình. Công việc làm cũng nhàn mà đơn giản như chuẩn bị nguyên liệu làm bánh và gói bánh. Làm tại đây, tôi được tính thu nhập theo ca gồm: ca sáng, chiều và tối với 50 nghìn đồng/ca. Nếu làm đủ cả 3 ca thì cũng được 150 nghìn đồng/ngày, vừa không phải mất công tìm việc làm ở xa, được làm gần nhà mà thu nhập lại đảm bảo cuộc sống.

 

Ngoài làm bánh chưng đen, năm ngoái, gia đình chị Hạnh còn mạnh dạn đầu tư hơn 20 triệu đồng để thuê máy móc san lấp mặt bằng, mua hệ thống lưới che, giàn tưới tự động kèm với hệ thống ống để đầu tư trồng rau, củ quả tăng thêm thu nhập... Anh Đoàn Văn Viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi được xã, huyện vinh danh, chị Hạnh còn là Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân xóm gương mẫu, tận tình. Làm bánh chưng đen có thể xem là phải có bí quyết riêng nhưng chị luôn sẵn lòng giới thiệu, hướng dẫn cho các hội viên nông dân của xóm, xã nếu có nhu cầu làm. Hiện nay, tại cơ sở của chị đang giải quyết việc làm cho nhiều hội viên nông dân với mức thu nhập khá ổn định.