Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nhiều vấn đề đang đặt ra (Kỳ I)

08:08, 28/02/2017

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang ở mức rất thấp.

Xuất hiện điểm sáng nhưng có nơi chỉ là bóng dáng

 

Ghi nhận từ một doanh nghiệp

 

Mới đây, có dịp đến thăm Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) - doanh nghiệp sản xuất nấm đầu tiên và duy nhất có 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng tôi rất ấn tượng với quy mô, dây chuyền sản xuất của Công ty, gồm: Trung tâm ươm tạo giống, nuôi trồng, chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm; dây chuyền thiết bị, phòng thí nghiệm nuôi cấy, ươm tạo giống nấm (được nhập khẩu từ Đài Loan) và khu nuôi trồng khá hiện đại. Từ số vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ đồng, đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động, Công ty đã trở thành một cơ sở có uy tín trong cả nước về việc ươm tạo giống, nuôi trồng và chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm; cung cấp giống nấm, bịch nấm và các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp nuôi trồng nấm. Chuyên nuôi trồng và sản xuất các loại nấm sạch theo công nghệ cao của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc (như nấm linh chi, linh chi sừng hươu, nâu tây, Đùi Gà, Đông Cô, hào hương, nấm ngô...), mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 100 tấn nấm tươi và 400 tấn nấm khô, trong đó 80% được xuất khẩu. Riêng năm 2016, doanh thu của Công ty đạt khoảng 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

 

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại mang tính tự động cao từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống trong phòng thí nghiệm đến khi các sản phẩm nấm có mặt trên thị trường. Đơn cử như sử dụng mùn cưa làm cơ chất để nuôi trồng nấm; sử dụng máy móc ủ, trộn nguyên liệu nhằm bảo đảm sự đồng đều và tiết kiệm thời gian; dùng lò hấp khử trùng để bịch nấm đạt trạng thái vô khuẩn trước khi cấy giống…

 

Dù sản xuất với công nghệ hiện đại như vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia mới đang tiệm cận với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và những mô hình như vậy rất cần được khuyến khích, hỗ trợ để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa.

 

Ngoài điểm sáng Phú Gia, 5 năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mang “bóng dáng” công nghệ cao vào sản xuất. Đơn cử như việc đầu tư xây dựng nhà lạnh để bảo quản hoa ở các vùng trồng hoa chuyên canh lớn của tỉnh như xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn xã Huống Thượng có 4 hộ, phường Túc Duyên có 6 hộ đầu tư xây dựng nhà lạnh. Chị Đàm Thị Hoa, người có kinh nghiệm trồng hoa 10 năm nay ở xóm Cậy, xã Huống Thượng cho hay: Kinh phí đầu tư cho một nhà lạnh khoảng 30 đến 100 triệu đồng. Có nhà lạnh, người trồng hoa sẽ “bất chấp” các hình thái thời tiết và không còn lo hoa nở sớm, nhanh tàn, mất giá…

 

Ngoài ra, mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao trồng chuối tiêu hồng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng nông, lâm nghiệp Gia Sàng (Sở Nông nghiệp - PTNT)… cũng mang “bóng dáng” của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Ông Bùi Hải Sơn, chủ trang trại chăn nuôi ở xóm Mới, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ): Với quy mô chăn nuôi 100 con lợn nái, 200 con lợn thịt/năm và 18 nghìn con gà/lứa, gia đình tôi đã ứng dụng một số công nghệ vào sản xuất, như: Sử dụng thực phẩm chức năng Taca để nâng cao chất lượng thịt và tăng sức đề kháng cho lợn; dùng bóng đèn ion khử mùi hôi trong khu vực chăn nuôi…

 

Ông Lương Văn Sang, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên): Hiện nay, chúng tôi chưa hiểu rõ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do đó khi tiếp cận với lĩnh vực này sẽ gặp nhiều khó khăn, đề nghị các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ...

“Bóng dáng” công nghệ cao cũng xuất hiện khá rõ nét trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong chăn nuôi gà, có 200/356 trang trại ứng dụng công nghệ cao như giống cao sản, chuồng lạnh, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng, chiếm 20% trong tổng số đàn gà toàn tỉnh. Trong chăn nuôi lợn, có 40/250 trang trại áp dụng công nghệ cao như giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường theo quy trình công nghệ chăn nuôi tiên tiến, chiếm 11,2% tổng đàn lợn toàn tỉnh... Từ những ứng dụng này đã giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi, góp phần đưa đàn lợn của tỉnh lên hơn 700 nghìn con (tăng hơn 300 nghìn con so với 5 năm trước), đưa đàn gia cầm lên 10 triệu con, tăng khoảng 4 triệu con so với 5 năm trước)…

 

Vẫn còn những rào cản lớn…

 

Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng từ thực tế cho thấy, tỉnh ta vẫn còn đi sau nhiều địa phương khác trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù là tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông khá thuận tiện, là trung tâm kinh tế, văn hóa  - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc, thuận lợi cho việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng vấn đề ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta vẫn còn ở mức thấp. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh cho rằng: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những mô hình ứng dụng còn ít, lại chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, tỷ lệ sử dụng giống mới trong sản xuất lúa gạo của nông dân trong tỉnh mới đạt 25% diện tích; các biện pháp canh tác hiệu quả trên cây trồng như phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI), quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM và diện tích rau, quả, chè áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng chỉ được người dân áp dụng ở mức rất khiêm tốn, chủ yếu ở dạng mô hình. Đối với ngành chăn nuôi, thủy sản, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được thực hiện ở các trang trại nhưng vẫn chưa đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm…

 

Trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rào cản lớn nhất đối với Thái Nguyên hiện nay là tình trạng tự phát, chưa có quy hoạch; đặc thù sản xuất thì manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chủ yếu; tiềm lực khoa học, công nghệ như nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp; chưa có chính sách riêng hỗ trợ lĩnh vực này. Ngoài những trở ngại trên thì tình trạng thiếu hiểu biết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân cũng đang là một thách thức nhỏ đối với Thái Nguyên.

 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu mà Thái Nguyên đang hướng tới nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất và làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trước tình trạng hiệu quả cao nhưng ứng dụng thấp như hiện nay, tỉnh phải làm gì để đạt được mục tiêu đề ra khi con đường tiến đến “đích” còn nhiều gian nan…

 

(Còn nữa)