Mưa không ướt mặt, nắng không tới đầu, quy trình làm rau an toàn (rau sạch) trong nhà bạt của một số hộ gia đình tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với cách thức gieo trồng cũ. Thu hoạch đến đâu, bán hết tại vườn đến đó, rồi vụ gối vụ, mỗi sào rau cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chì, sinh sống tại xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu từ những năm 1945 về trước bằng nghề trồng rau và buôn bán nhỏ. Do quỹ đất trồng cây lương thực có hạn, nên gia đình cải tạo đất soi bãi chủ yếu để trồng rau xanh vừa phục vụ nhu cầu tự cấp, tự túc, vừa bán tại chợ và phục vụ chăn nuôi. Ông Chì cho biết: “Trên cùng một sào đất, nếu trồng rau theo cách cũ, truyền thống thì vẫn bảo đảm thu nhập cao hơn cấy lúa từ 4-5 triệu đồng/năm. Nhưng trồng rau đòi hỏi quy trình khó hơn, tỉ mỉ và cần nhiều kinh nghiệm, đầu tư ban đầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn cấy lúa, nên không phải ai cũng làm được nghề trồng rau”.
Sau nhiều lần trăn trở, đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm rau sạch trong và ngoài tỉnh, đồng thời được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn quy trình làm rau sạch, tháng 6-2016, ông Chì mạnh dạn bán đàn lợn thịt và dồn vốn tích lũy được, đầu tư trên 70 triệu đồng xây dựng nhà vườn phủ bạt nilon trắng, khung kẽm và hệ thống bơm nước tưới tận gốc, nước phun sương làm mát trong nhà bạt. Mặc dù hai ông bà đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn hào hứng và say sưa với ruộng vườn. Ông phấn khởi vào chuyện: “Nhiều người khuyên tôi nên dừng lại, để con, cháu làm, nhưng các con thì không say sưa với món ruộng đồng, nhìn đất vườn tôi thấy tiếc. Với lại bây giờ làm nông dân nhàn hơn xưa nhiều lắm. Hai sào đất tôi tự lái máy chạy chưa hết 2 tiếng đồng hồ đã tơi xốp như bông. Dù nắng, hay mưa thì hai vợ chồng tôi cũng chỉ làm việc trong nhà bạt. Công việc chủ yếu bận lúc gieo, sới, thu hoạch. Chăm bón cây đều có công thức, định lượng và gần như làm bằng máy, bằng điện”.
Theo quy trình sản xuất rau sạch của gia đình ông Chì, mỗi tháng gia đình ông cho xuất bán một lứa, chủ yếu trồng rau lấy lá, nên thời gian sản xuất chỉ 20-25 ngày là cho gối vụ. Từ khi có nhà bạt, hệ thống tưới, làm mát và điện chiếu sáng, gia đình ông có thể trồng rau trái vụ liên tục hàng tháng. Ông “bật mí”: “Muốn rau được giá thì phải nhạy cảm với thời tiết, với thị trường, đã làm trái vụ được rồi thì phải làm sớm hơn, hoặc muộn hơn so với các lứa rau truyền thống. Nên khi bán ra vừa đúng lúc thị trường cần, lại sạch nữa nên lúc nào cũng được giá. Riêng rau cải lúc nào cũng được giá từ 10.000-15.000đồng/kg, tư thương, người tiêu dùng đến tận vườn thu mua”.
Được biết, hiện tại gia đình ông cũng đã nhận được nhiều đề nghị hợp đồng bao tiêu, nhưng ông chưa dám nhận vì sản lượng còn ít và chưa đủ điều kiện đóng gói… Chính vì vậy, sản phẩm rau sạch của gia đình ông chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong thị trấn và tiêu dùng tại khu dân cư. Cũng theo ông Chì, từ khi tham gia mô hình sản xuất rau sạch, nhiều hộ gia đình trong xóm, các xã lân cận đã đến tham qua học tập kinh nghiệm. Đến nay, phố Vườn Rau của thị trấn Chợ Chu đã có trên 2.500m2 (7 sào) của các hộ dân đầu tư nhà vườn sản xuất rau theo quy trình rau an toàn. Bước đầu các hộ đã hợp tác trong các khâu dịch vụ làm đất, tổ chức xây dựng lịch gieo trồng luân phiên, hạn chế trùng lặp… bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và giảm bớt các đầu tư thiết bị.