Những năm gần đây, từ các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều thanh niên nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không ít thanh niên trong quá trình lập nghiệp lại đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Khác với bạn bè cùng trang lứa đa phần đi làm ăn xa, sau khi học xong, anh Bùi Tiến Thành, 35 tuổi, xóm Khe Nác, xã Động Đạt (Phú Lương) chọn quê hương làm nơi lập nghiệp. Với lợi thế đất đai rộng, anh đã chuyển đổi hơn 1,6 mẫu đất của gia đình để xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Vốn ít, nên anh phải áp dụng lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài, vừa phát triển vừa mở rộng quy mô. Nhờ cần cù, chịu khó, trang trại của gia đình dần ổn định. Hiện, anh duy trì nuôi khoảng 30 con lợn thịt, 50 thùng ong lấy mật, trồng hơn 1 mẫu chè, 1,5 ha rừng… cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Mặc dù bước đầu mô hình đã cho thu nhập nhưng cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình và phát triển ở quy mô nhỏ. Ước mơ của anh là có khoảng 200-300 triệu đồng vốn để đầu tư đồng bộ từ chuồng trại đến con giống. Anh cho biết: Năm 2016, tôi được Đoàn xã giới thiệu về nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn (vốn Chương trình 120). Nhưng quá trình làm hồ sơ, thủ tục để vay vốn thì yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong khi tôi vẫn đang ở cùng bố mẹ nên việc đứng tên nhà, đất để thế chấp là không dễ. Vì vậy dự định của tôi đành tạm gác.
Tương tự như anh Thành, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt cũng đang “khát” vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng do anh làm chủ 4 năm nay. Năm 2014, anh làm thủ tục để được vay vốn từ Chương trình 120 để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất. Sau nhiều lần lập hồ sơ nhưng anh Tuấn vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn. Anh chia sẻ: Đa số thanh niên đều muốn làm giàu và cần vốn, nhưng lâu nay các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ yếu dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ thanh niên rất hạn chế. Hơn nữa, từ nguồn vốn này nếu vay cũng chỉ được vài chục triệu đồng nên khó phát triển kinh tế với quy mô lớn. Còn nguồn vốn từ Chương trình 120 dành cho thanh niên thì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục “khắt khe” nên rất khó tiếp cận. Sau 4 năm, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của anh đã phần nào vực dậy nền kinh tế khó khăn của gia đình, cho thu nhập trung bình 100 - 150 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời tạo việc làm cho cho 4 lao động địa phương với thu nhập ổn định 2,5 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, mở rộng nên nên cơ sở vẫn chỉ hoạt động nhỏ lẻ.
Tuy chưa có cuộc khảo sát nào về nhu cầu vay vốn của thanh niên trên địa bàn tỉnh, nhưng trong thực tế thanh niên có nhu cầu vay vốn như những trường hợp nêu trên là không ít. Trao đổi với chúng tôi, chị Mông Thị Tuyết Nhung, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai, cho biết: “Các kiến nghị của Đoàn thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đề cập đến việc tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên quản lý không đáp ứng được nhu cầu, khiến dự định bám quê làm ăn, ổn định cuộc sống trở nên khó thực hiện với một số thanh niên nông thôn”.
Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên đều thực hiện phương án “có tới đâu làm tới đó”. Điều này ảnh hưởng đến việc đầu tư các mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh. Không những thế, nhiều thanh niên đành phải gác giấc mơ lập nghiệp ở quê để đi làm ăn xa. Hiện nay, thanh niên có thể tiếp cận vốn ưu đãi từ các tổ tiết kiệm vay vốn do các đoàn thể ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội và vốn Chương trình 120. Tuy nhiên, nguồn vốn nào thanh niên cũng khó tiếp cận vì “vướng” nhiều thủ tục. Với nguồn vốn từ Chương trình 120, khi vay thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất, kinh doanh đối với từng dự án cụ thể. Trong khi thực hiện một phương án kinh doanh khả thi trên “giấy trắng mực đen” là vấn đề không dễ với nhiều thanh niên nông thôn. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể phải có tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án trên 100 triệu đồng, trong khi năng lực tài chính của đối tượng thanh niên mới lập nghiệp còn hạn chế, không có tài sản lớn để thế chấp.
Đó là những lý do khiến Tỉnh đoàn được Trung ương Đoàn phân bổ gần 3 tỷ đồng để tạo vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên, nhưng cuối năm 2016 vừa qua, Tỉnh đoàn phải trả lại 987 triệu đồng cho Trung ương Đoàn vì không giải ngân được. Hiện, tổng dư nợ từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm do Tỉnh đoàn quản lý là 1 tỷ 972 triệu đồng, với 17 dự án được vay. Trong đó có 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 11 hộ gia đình trong tỉnh được vay.
Đồng chí Lê Minh Hiếu, Phó Trưởng Ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên Tỉnh đoàn, cán bộ quản lý vốn vay giải quyết việc làm thanh niên, cho biết: Tỉnh đoàn luôn tạo điều kiện tối đa cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn để đồng vốn được xoay vòng hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên không thể đáp ứng được các yêu cầu, quy định vay vốn nên không thể giải ngân được. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý có thẩm quyền điều chỉnh, giảm thủ tục vay, tạo điều kiện thoáng hơn để thanh niên tiếp cận nhanh với đồng vốn. Ngoài ra, cần mở rộng diện cho vay đối với người lao động theo hình thức tín chấp để nguồn vốn đến với thanh niên nhanh và dễ dàng hơn.