Từ một nhóm sở thích thường xuyên chia sẻ với nhau những kinh nghiệm sản xuất chè, một số hộ dân tại xóm Thác Dài, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã thành lập Công ty cổ phần Chè Thác Dài. Đến nay, sau 4 năm đi vào hoạt động, Công ty đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Phú Lương về hiệu quả kinh tế và góp phần nâng cao thương hiệu chè địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty chia sẻ: Ban đầu, chúng tôi chỉ là một nhóm sở thích của các hội viên phụ nữ trong xóm chia sẻ với nhau về kiến thức, kinh nghiệm trồng, sản xuất và chế biến chè. Đến năm 2013, sau nhiều lần tham quan các vùng chè nổi tiếng trong tỉnh như: La Bằng, Tân Cương, Phúc Xuân… tôi nhận thấy sản phẩm chè của mình không hề kém hơn về chất lượng nhưng giá bán lại chênh lệch rất nhiều so với các hộ sản xuất ở các địa phương trên nên nảy sinh ý tưởng xây dựng một thương hiệu chè đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Xuất phát từ điều đó, bà Thủy đã vận động chị em phụ nữ trong Nhóm sở thích cùng tham gia xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của Làng nghề chè Thác Dài. Tuy nhiên, đối với người dân địa phương khi đó, “thương hiệu” là một khái niệm còn tương đối xa vời nên chẳng mấy ai mặn mà. Cuối cùng, chỉ có bà Thủy và bà Cao Thị Ninh tham gia. Kể cho chúng tôi về quá trình gian nan thành lập Công ty, bà Ninh bộc bạch: Nói là quyết tâm xây dựng thương hiệu chứ trên thực tế chúng tôi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. Từ sự học hỏi ở các địa phương khác cùng sự tư vấn, kết nối của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tức Tranh, chúng tôi được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Lương giúp đỡ về việc thành lập công ty, đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm chè cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đến tháng 5-2013, Công ty cổ phần Chè Thác Dài ra đời với 3 thành viên, diện tích chè 5ha và vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng.
Những ngày đầu hoạt động, chưa có thị trường ổn định, Công ty vẫn hoạt động cầm chừng. Dù sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với chất lượng tương đối cao nhưng vẫn phải bán ở chợ địa phương với giá thành thấp. Thời gian đó, bà Thủy cùng bà Ninh phải tự mày mò, học hỏi, bỏ tiền túi ra thuê người thiết kế bao bì sản phẩm rồi đem đi giới thiệu ở khắp nơi. Bất cứ khi nào nghe tin có hội chợ, triển lãm trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận, 2 bà đều chọn những sản phẩm tốt nhất của gia đình đem đi giới thiệu. Dần dần, sản phẩm chè đã được nhiều người biết đến hơn và Công ty bắt đầu nhận được những đơn hàng lớn đầu tiên. Đến nay, trung bình mỗi tháng, Công ty cung cấp ra thị trường trên 1 tấn chè búp khô. Với giá bán trung bình khoảng 200-300 nghìn đồng/kg, cao hơn 30-50% so với giá bán của các hộ trong xã. Sản phẩm chè của Công ty được các thị trường: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Hải Phòng… ưa chuộng và có đại lý ở nhiều tỉnh trên khắp cả nước. Không chỉ giúp tiêu thụ chè của gia đình các thành viên với giá thành cao, Công ty còn thu mua chè đạt tiêu chuẩn VietGAP từ các hộ dân khác trong vùng cũng như giới thiệu khách hàng cho một số hộ sản xuất chè tại địa phương. Năm 2016, doanh thu của Công ty đạt trên 3 tỷ đồng.
Khi nhắc đến kế hoạch tương lai của Công ty, bà Thủy cho hay: Mục tiêu chủ yếu của Công ty là thị trường nội địa nên thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc củng cố và nâng tầm thương hiệu nhằm nâng cao giá thành sản phẩm. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Thêm vào đó, hiện nay, một số hộ dân muốn đóng góp cổ phần và gia nhập Công ty nhưng chúng tôi chưa thể đồng ý vì Công ty chưa có bộ máy quản lý tốt, chuyên nghiệp nên chưa thể quản lý trên phạm vi rộng. Đây cũng là điều trăn trở lớn nhất của tôi.
Nói về mô hình của Công ty cổ phần Chè Thác Dài, chị Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương cho biết: Công ty là một trong những mô hình phát triển hiệu quả từ “nhóm sở thích” của Hội phụ nữ, đem lại lợi ích kinh tế cao. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi học tập và xây dựng thêm nhiều mô hình khác trên địa bàn xã dựa trên sở thích, năng lực sản xuất của chị em phụ nữ và điều kiện thực tế ở địa phương.