Cải thiện nhiều chỉ số thành phần

15:59, 14/03/2017

Việc Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2016 (theo kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID công bố tại Hà Nội sáng 14-3), dù xét về lượng không đổi nhưng lại là sự ổn định hơn về chất. Thực tế, càng ở vị trí cao, việc duy trì chỉ số PCI lại càng khó, đòi hỏi chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền phải càng tốt.

Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo PCI năm 2016 được thực hiện trên cơ sở thông tin phản hồi từ trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh hoạt động ở 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong cả nước.

Theo Bảng xếp hạng PCI 2016, T.P Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Tiếp sau là Quảng Ninh với số điểm 65,60 điểm, thứ hạng cao nhất của tỉnh này từ trước đến nay. Đồng Tháp đứng thứ ba trên bảng xếp hạng và là lần thứ 9 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất. Ở vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt là Bình Dương và Vĩnh Long. VCCI cũng đánh giá, các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và T.P Hồ Chí Minh nhận được nhiều đánh giá tích cực của doanh nghiệp dân doanh về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Với chúng ta, một lần nữa cái tên Thái Nguyên lại được xướng lên trong báo cáo của VCCI về những thành tích đáng nể trong điều hành của chính quyền. Đây là lần thứ ba liên tiếp Thái Nguyên đứng trong tốp 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI đánh giá: Mấy năm gần đây, Thái Nguyên trở thành hiện tượng của PCI khi 3 năm liền từ năm 2014 đến năm 2016 đều duy trì thứ hạng cao trong 63 tỉnh, thành. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Thời trả lời báo chí bên lề Lễ công bố cũng khẳng định: Mặc dù giữ nguyên vị trí thứ 7 giống năm ngoái, song đây được xem là thành công đối với tỉnh. Thời gian qua, không chỉ chính quyền các cấp của tỉnh nỗ lực, cố gắng mà cả các tổ chức hiệp hội, hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cũng chung tay vì môi trường kinh doanh thông thoáng.

 

Mặc dù vẫn đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng, song chỉ số PCI của tỉnh năm 2016 đạt số điểm 61,82, vượt 0,61 điểm so với năm 2015. Trong bảng xếp hạng 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Theo đánh giá của VCCI, tỉnh ta là một trong những địa phương có chỉ số tăng hạng nhanh nhất từ trước đến nay và đang được duy trì khá ổn định.

 

Chất lượng điều hành kinh tế ở địa phương được đo trên cơ sở 10 chỉ số thành phần của PCI gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Với Thái Nguyên, trong 10 chỉ số đó, năm 2016 sau khi được các doanh nghiệp “chấm điểm”, có 6 chỉ số tăng điểm so với năm trước, trong đó đáng chú ý là chỉ số về chi phí không chính thức (tăng 0,43 điểm), cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,60 điểm), tính năng động của chính quyền (tăng 0,23 điểm), thể chế pháp lý (tăng 0,15 điểm). Bảng xếp hạng cũng ghi nhận chúng ta có 4 chỉ số thành phần bị thấp điểm so với năm 2015 là chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và chi phí thời gian.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: Các chỉ số thành phần đạt được như hiện tại là do nỗ lực điều hành của các cấp chính quyền, trong đó nổi bất là cải cách hành chính, nhất là hành chính thuế, đăng ký kinh doanh. Mặt khác, tỉnh luôn xác định rõ vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi vậy có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp T.X Phổ Yên thì sự điều hành của chính quyền thời gian gần đây có những đột phá rõ rệt. Chính quyền đã thực sự coi vướng mắc của doanh nghiệp là vướng mắc của chính quyền, từ đó tập trung cùng tháo gỡ. Những chỉ số thành phần còn hạn chế của năm trước, nhất là chỉ số tiếp cận đất đai, thì hiện đã được chính quyền địa phương tập trung giải quyết, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội đầu tư. 

 

Cũng bởi sự vào cuộc của chính quyền mà kết thúc năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã đạt trên 15,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 26,7% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 19 tỷ USD; vốn đầu tư toàn xã hội vào tỉnh tăng mạnh so với năm trước... Điều đáng nói là cùng với nhà đầu tư Samsung, tỉnh ta đã thu hút được thêm hang chục dự án phụ trợ khác, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh lên trên 7 tỷ USD.

 

Tại Lễ công bố PCI 2016, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh một lần nữa khẳng định, việc trụ hạng năm nay là một trong những thành công của tỉnh. Năm 2017, tỉnh quyết tâm giữ vững vị trí đạt được và phấn đấu tăng hạng. Để làm được điều đó đòi hỏi không chỉ chính quyền mà tất cả các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp phải cùng đồng hành. Tỉnh sẽ rà soát các chỉ số còn thấp điểm để có giải pháp cải thiện trong năm sau. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát huy các chỉ số cao điểm, phấn đấu không để tụt hạng.