Cần xây dựng liên kết bền vững

08:40, 11/03/2017

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có 35 ha rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP. Con số này khá khiêm tốn so với con số 10.000 ha đủ điều kiện nguồn nước, đất, địa điểm sản xuất theo quy hoạch của tỉnh. Có thể khẳng định, sản xuất rau theo phương thức an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm dư lượng kháng sinh... là hướng đi tất yếu và bền vững. Tuy nhiên, chính hướng đi này lại đang thiếu một liên kết bền vững để phát triển.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh phát triển thêm nhiều vùng, mô hình sản xuất rau an toàn. Toàn tỉnh hiện có 35 ha rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP tương đương với sản lượng 630 tấn rau/năm. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất như: sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thủy canh đã góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ người dân. Một số vùng rau an toàn của tỉnh đã bắt đầu gây dựng dược thương hiệu trên thị trường như: rau an toàn Hùng Sơn (Đại Từ); rau an toàn Huống Thượng (Đồng Hỷ); rau an toàn Nhã Lộng (Phú Bình)…

 

Nhưng thực tế, người nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn do diện tích sản xuất rau còn nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho khâu quản lý, giám sát. Thêm vào đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho sản xuất, đặc biệt là khâu giám sát chất lượng sản phẩm, cán bộ kỹ thuật, quản lý rau an toàn còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở. Mặt khác, người tiêu dùng còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng rau an toàn nên giá bán không được cao, trong khi chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn gấp nhiều lần so với rau thông thường.

 

Đơn cử như mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của tỉnh ở Xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ). Được thực hiện từ năm 2010 với diện tích 3ha, đến nay, diện tích rau an toàn tại đây chỉ còn lại 1ha. Lý giải về điều này, Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn xóm Cậy chia sẻ: Với quy trình trồng rau an toàn, chúng tôi chỉ dùng phân chuồng đã ủ hoai mục và các chế phẩm enzim, phân hữu cơ, phun thuốc thảo mộc hoặc sử dụng hỗn hợp rượu, ớt để trừ sâu bệnh… Mỗi tháng, các nhóm sản xuất tổ chức giám sát, thanh tra nội bộ hoặc kiểm tra chéo giữa các nhóm. Tuy nhiên, đến nay, sản xuất vẫn chỉ dựa vào người dân tự giám sát lẫn nhau chứ chưa có thiết bị hay cơ quan nào thường xuyên kiểm định chất lượng sản phẩm. Do chưa được đánh giá và công bố chất lượng đúng mức, giá bán và thị trường tiêu thụ rau an toàn vẫn bị cào bằng như các loại rau khác.

 

Giống như ở xóm Cậy, Hợp tác sản xuất rau an toàn Nhã Lộng (Phú Binh) cũng gặp khó khăn tương tự. Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình đã chắp nối và đưa sản phẩm đi giới thiệu đi bán sản phẩm tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tại Hà Nội chỉ sau vài tháng, cách làm này không thể tiếp tục duy trì. Chị Nguyễn Thị Bộ, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) bộc bạch: Rau an toàn thường không được đẹp mắt như các loại rau khác nên khi đem đi giới thiệu không được khách hàng ưa chuộng. Thêm vào đó, mô hình liên kết này mới chỉ ở mức Hội LHPN huyện Phú Bình “nhờ vả” giới thiệu sản phẩm chứ chưa có hợp đồng tiêu thụ chính thức nên sau một thời gian mức độ tiêu thụ không khả quan, chúng tôi không thể tiếp tục giới thiệu sản phẩm. Không có thị trường tiêu thụ ổn định, chúng tôi không thể an tâm phát triển sản xuất.

 

Nói về vấn đề hỗ trợ nông dân tiêu thụ san phẩm rau an toàn, ông Trần Huy Luân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn Thương mại và dịch vụ Minh Cầu thông tin: Từ năm 2015, chúng tôi đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn xóm Cậy. Theo đó, Công ty sẽ hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ thủ tục xin chứng nhận VietGAP, quảng bá sản phẩm cho bà con. Còn lại, trách nhiệm sản xuất, giám sát và đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm thuộc về nông dân. Tuy nhiên, quy mô liên kết còn nhỏ và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Còn chị Nguyễn Thị Phương, người phụ trách cửa hàng rau an toàn của Trung tâm Dạy nghề 20-10 (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán ra từ 1-1,5 tạ rau an toàn lấy từ các mô hình do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ. Chất lượng sản phẩm chủ yếu dựa vào sự giám sát của chính hộ sản xuất và các tổ hợp tác chứ chưa có điều khoản thực sự chặt chẽ quy định trách nhiệm của bên sản xuất.

 

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ một mối liên kết thực sự bền vững nào giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa nhà nước với người sản xuất, giữa nhà nước với doanh nghiệp… Ngay cả với một mô hình hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh như hệ thống cửa hàng, phân phối thực phẩm an toàn Thái Cương, mối liên kết giữa 16 đơn vị bao gồm cả cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất cũng chưa thực sự bền vững. Theo Biên bản họp kiêm thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị được đề cập đến mới chỉ là: cung cấp, tiếp nhận, định giá sản phẩm. Còn vấn đề xây dựng, giám sát quy trình sản xuất, kiểm tra, truy suất nguồn gốc hay kết nối tiêu thụ… vẫn chỉ nằm ở phần đề xuất xin hỗ trợ của với cấp trên.

 

Có thể khẳng định, phát triển sản xuất rau toàn là hướng đi tất yếu và bền vững hiện nay. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên dự kiến bố trí khoảng 1.000 ha trồng rau an toàn tại tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn. Tuy nhiên, thiết nghĩ, để rau an toàn thực sự đem lại hiệu quả cho người dân thì vẫn cần xây dựng một mối liên kết bền vững giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính khả thi, tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Người sản xuất cần tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nguồn cung ổn định. Có như vậy, sản xuất rau an toàn mới thực sự trở thành hướng đi bền vững.