Chuẩn bị vào vụ cá mới

09:55, 07/03/2017

Thời điểm này, sau khi thu hoạch xong những mẻ lưới nặng cá, tôm, các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương vệ sinh ao, hồ, chuẩn bị con giống cho vụ thả cá mới.

Với mặt hồ rộng 2,8ha, vài năm nay, gia đình anh Phạm Văn Bình, ở xóm Nông Trường, xã Tân Khánh (Phú Bình) tập trung thả các loại cá như: trắm, chép, rô phi đơn tính, mè... Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được trên 17 tấn cá. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Bình chia sẻ: Nuôi cá không phải mất nhiều công chăm sóc, hơn nữa lại có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình như ngô, khoai, sắn, các loại rau cỏ... giảm được chi phí sản xuất. Vừa kéo lưới đánh bắt cá bán cho thương lái ở tỉnh Bắc Giang xong, gia đình tôi tháo cạn nước hồ, tiến hành dọn dẹp vệ sinh và dùng vôi bột, các thuốc có nguồn gốc sinh học để xử lý môi trường ao. Sau đó phơi đáy ao ít nhất 3-5 ngày để tiêu diệt mầm bệnh, phân huỷ chất độc hại rồi mới tiến hành thả lứa mới.

 

Cũng giống như ở Tân Khánh, thời điểm này, tại các địa phương khác trong tỉnh, nhiều hộ dân đang tập trung xử lý nước ao, bảo đảm vệ sinh để xuống giống. Ông Trần Văn Hậu, ở xóm Trại, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) cho biết: Vài năm trước đây, gia đình tôi cũng tận dụng diện tích ao của gia đình để thả cá, góp phần tăng thu nhập nhưng do chưa quan tâm đến khâu kỹ thuật nên cá chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao. Từ năm 2015 trở lại đây, do học hỏi kinh nghiệm từ anh em, bạn bè, tôi đã biết cách chăm sóc sao cho đàn cá nhanh lớn, ít bị nhiễm các loại dịch bệnh. Gia đình đình tôi thường thả cá vào tháng 3 và thu hoạch tỉa trong năm. Lúc cá còn nhỏ, tôi chăn cám công nghiệp. Đến khi cá lớn dần, tôi cho ăn thêm ngô, thóc mầm, rau xanh các loại.

 

Vài năm trở lại đây, lĩnh vực thủy sản đã được nông dân trong tỉnh quan tâm đầu tư. Nhờ đó, sản lượng thủy sản liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 9.375 tấn, tăng 12,8% so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có gần 6 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên tập trung quản lý, giám sát chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá an toàn cho các hộ dân. Về phía các hộ dân cũng đã chủ động đầu tư kinh phí cải tạo ao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cá, tăng cường liên kết nuôi cá theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

 

Hiện nay, các cơ sở cung cấp cá giống cũng đang tập trung chăm sóc đàn cá bố mẹ, cá bột, cá hương nhằm đáp ứng nhu cầu con giống của bà con nhân dân trong tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Phong, Trưởng trại cá giống Hòa Sơn (Phú Bình) cho biết: Trung bình mỗi năm, Trại cá cung cấp ra thị trường 215 triệu cá bột và 2,8 triệu cá giống với mức giá tùy theo thị trường. Hiện tại, cá trắm với số lượng từ 40-50 con/kg có giá bán 70.000 đồng/kg; cá chim 2.000 đồng/con; rô phi đơn tính 700 đồng/con. Trại cá cũng đang tập trung sản xuất giống cá rô phi đơn tính và chép lai, vì đây là hai loại giống cá đang được khách hàng ưa chuộng, cho giá trị kinh tế cao. Để hỗ trợ người dân, chúng tôi cũng triển khai chương trình liên kết với các hộ nuôi, cung cấp con giống cho các hộ dân có nhu cầu mà chưa đủ vốn, đến khi xuất bán cá mới thanh toán tiền con giống.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Nguyên cho biết: Thời điểm thả cá giống thích hợp để tận dụng thời gian sinh trưởng vào vụ xuân - hè là từ tháng 3 đến tháng 4. Bà con nên tùy thuộc vào điều kiện ao, hồ nuôi và khả năng cung cấp thức ăn để lựa chọn cơ cấu giống thả hợp lý. Người dân nên thả cá giống cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi và tận dụng thời vụ sinh trưởng; không nên thả cá giống cỡ nhỏ, sẽ chậm lớn, hao hụt nhiều và không kịp thu hoạch trong năm. Đồng thời, tăng cường lựa chọn đưa vào nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh như cá chép lai, rô phi đơn tính, trắm đen, diêu hồng, cá lăng…

 

Chi cục cũng khuyến cáo bà con, trước khi thả vào ao phải tiến hành làm quen môi trường nước, cần ngâm túi cá hoặc dụng dụ vận chuyển xuống ao trong khoảng 10-15 phút, đồng thời từ từ cho thêm nước ao vào trong túi cá, sau đó nghiêng túi cho cá tự bơi ra ao; nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá giống thả phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật như: có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, không bị bệnh, không dị hình. Cá nhìn bề ngoài sáng bóng, vây, vẩy nguyên vẹn, cân đối, cỡ cá đồng đều, bơi lội hoạt bát, bơi chìm và bơi theo đàn. Đối với các hộ nuôi cá lồng, cần chuẩn bị phòng bệnh (mùa cao điểm vào tháng 3-4) bằng cách treo túi vôi hoặc viên nén vạn tiêu linh tại các lồng để khử trùng lồng nuôi, kết hợp với một số loại thuốc và Vitamin C trộn với thức ăn cho cá.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng cùng sự chủ động của người dân, hy vọng vụ nuôi trồng thủy sản năm nay tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu sản lượng đạt hơn 10.500 tấn và nuôi trồng thủy sản tiếp tục là nghề tạo thêm nhiều việc làm, đem lại thu nhập cao cho nông dân.