Xã Bình Thành (Định Hoá) cách T.P Thái Nguyên 3 giờ chạy xe máy. Giao thông khá thuận lợi, đường đất không ngúc ngoắc, trắc trở như hơn mươi năm về trước. Đang giữa độ Xuân, mưa lắc rắc, từng vạt chè bên đường bật mầm, các khu đồng thuộc thôn Thanh Bần, Cây Cóc, Đồng Tô… lúa vừa độ bén rễ hồi xanh. C
Chứng kiến từng nhóm nông dân tất bật trên đồng đi bắt nước về ruộng, ông Dương Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã nói ví von: Trong những năm gần đây, xã Bình Thành như chàng lực điền thức dậy sau giấc ngủ dài, vươn vai đứng dậy và bắt đầu cho một ngày mới.
Xã Bình Thành có 27 xóm, 1.320 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Lúa và chè là hai loại cây trồng kinh tế chủ lực. Năm 2016, thu nhập của người dân trong xã đạt bình quân 20 triệu đồng/người/năm. Xã còn 668 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 50,6%, trong đó có 408 hộ nghèo, 260 hộ cận nghèo. Mặc dù vậy, các hộ dân trong xã đều tích cực hưởng ứng Chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ sẵn sàng hiến vườn, ruộng và đóng góp tiền của để địa phương có mặt bằng thi công các công trình phúc lợi xã hội.
Ông Trần Sách, 69 tuổi, xóm Cây Cóc nói: Ngày xưa đánh giặc ngoại xâm, cha ông mình sẵn sàng phá dỡ nhà để làm đường cho xe qua… Còn bây giờ đánh giặc nghèo, mình hiến cho địa phương vài trăm mét vuông đất để làm đường cho bà con làng xã đi lại thuận tiện, có gì mà bận tâm… Ông Sách là hộ nghèo của xã. Nguồn thu nhập chính của gia đình trông vào 3 sào ruộng, nhưng không vì khó khăn mà ngồi kêu đòi, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng bà con trong xã, ông Sách ghé vai, chia sẻ “gánh nước non” với cán bộ, nhân dân, với mơ ước góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Năm 2016, xã thực hiện 9 công trình đường giao thông nông thôn, trong đó có 1 công trình mở nền đường dài 1,15km. Để thi công các tuyến đường này, nhân dân trong xã tham gia đóng góp được 7,5 triệu đồng; hiến 2.500m2 đất, trong đó có 1.000m2 đất lúa, 1.500m2 đất rừng, riêng nhà ông Sách hiến 240m2. Điều trân trọng, cảm động là đường mở đến đâu, nhân dân hiến đất đến đó. Do việc thi công các tuyến đường vào thời điểm lúa đang thì con gái, song các hộ liên quan đến mặt bằng công trình đã không ngần ngại, tự nguyện phá lúa để đơn vị thi công làm đường.
Với Bình Thành, đây là một thành công trong phát triển hạ tầng cơ sở. Những trục đường được mở mang thoáng rộng, vươn dài như nối gần hơn khoảng cách từ Bình Thành về trung tâm huyện. Cũng từ quan tâm mở mang, phát triển giao thông nông thôn, nông sản của nông dân được giao bán thuận lợi, có giá trị cao hơn, đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện, nâng cao. Ông Điệp cho biết thêm: Về xây dựng nông thôn mới, xã đạt 9 tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; điện; trường học; bưu điện; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh - trật tự xã hội.
Chúng tôi biết: Với một xã nghèo như Bình Thành, thì đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền nhân dân. Có thể nói, gần 5 năm qua, khâu đột phá lớn nhất ở Bình Thành là Đảng bộ, chính quyền đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, làm thông suốt tư tưởng, nhận thức trong cán bộ, nhân dân, vận động mọi người dân cùng vào cuộc. Bà Nguyễn Thị Cương, xóm Đồng Danh cho biết: Trong những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi đáng mừng. Phấn khởi nhất là mọi người trong cộng đồng dân cư có sự gắn kết, chia sẻ, cảm thông và thương yêu đùm bọc nhau hơn.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xã Bình Thành linh hoạt lồng ghép Phong trào xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả Phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân làm kinh tế giỏi và các hội nghị tuyên truyền về chủ trương chính sách, về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân. Trong năm vừa qua, xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức 20 lớp tập huấn, với 567 lượt người tham gia học tập, thực hành về kỹ thuật trồng lúa BIO 404, trồng rừng, chế biến chè theo tiêu chuẩn vietGAP, kỹ năng lập kế hoạch phát triển kinh tế hộ… 47 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, như hộ ông Trần Văn Mão, xóm Cây Cóc được hỗ trợ 7 triệu đồng mua máy vò chè; xóm Thanh Bần có các hộ Sầm Tiến Đức, Dương Văn Thiêm được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ mua máy cày tay; hộ ông Nguyễn Bá Cường được hỗ trợ 15 triệu đồng mua đất sản xuất. Đặc biệt ở các xóm: Sơn Tiến, Bàn Là, Làng Pháng, Thàn Mát, Đồng Danh, Đồng Thành, Làng Vượng, Làng Cóc đã có thêm những trục đường bê tông mới; 2 xóm Chiến Sỹ và Thàn Mát nâng cấp nhà văn hóa; trạm bơm thôn Đồn được đầu tư nâng cấp.
Cả Bình Thành sôi động bởi một kiến tạo mới, với nhiều dự kiến được thực hiện trong năm 2017, như việc làm mới hơn 5 km đường bê tông tại ngã ba Làng Nập, Phố, Đồng, Na Rao, Làng Luông…; cải tạo nhà lớp học của Trường Tiểu học và Trường THCS; xây mới và cải tạo 3 nhà văn hóa xóm, với tổng vốn dự kiến 4.865 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 3.000 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp.
Bình Thành đang mang một luồng sinh khí mới. Luồng sinh khí được gầy dựng từ việc triển khai nghị quyết của Đảng bộ, sự đồng thuận, vào cuộc của người dân đã tạo dựng nên một Bình Thành đang đổi mới từng ngày.