Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm

17:00, 08/03/2017

Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao; nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn từng ngày khởi sắc... Đó là những kết quả nổi bật xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) đã đạt được từ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thời gian qua.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà văn hóa xóm mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2016, ông Nguyễn Đăng Bằng, Bí thư Chi bộ xóm Bến, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) cho biết: Đây là thành quả từ sự chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân nơi đây. Với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, công trình được xây dựng trên diện tích 2.200m2, có khu hội trường, phòng họp và cả khu vui chơi giải trí cho các cháu thiếu nhi với khuôn viên rộng rãi. Cùng với nhà văn hóa, đến nay, hệ thống kênh mương nội đồng, đường bê tông nông thôn trong xóm đã cơ bản được bê tông hóa. Bà con cũng góp tiền để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Có thể nói, nhờ thực hiện Chương trình XDNTM, diện mạo làng quê đã đổi thay rõ nét, bà con chúng tôi rất phấn khởi...

 

Không chỉ xóm Bến, đi tìm hiểu thực tế tại nhiều xóm khác trong xã, chúng tôi cũng cảm nhận rõ sự đổi thay với những con đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng thay thế nhà cấp 4, hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đắc Sơn xác định, muốn thực hiện thành công Chương trình XDNTM thì cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, cách làm của mỗi cá nhân. Vì vậy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp cán bộ và và nhân dân nhận thức sâu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào XDNTM. Vận động người dân không trông chờ, ỷ lại mà tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực vươn lên.

 

Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp, dân hưởng thụ" được thể hiện rõ nét trong Đề án XDNTM cấp xã. Người dân được góp ý, tham gia và lựa chọn những công việc thiết thực với yêu cầu và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện trước các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để tạo khí thế phấn khởi, vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân. Việc xây dựng các công trình bảo đảm theo đúng quy hoạch được duyệt. Nhờ đó đã tạo không khí thi đua sôi nổi, nhân dân tự giác tham gia thực hiện tốt các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra. Phong trào hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động được nhân lên từ các gia đình, dòng họ. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, xã đã vận động 575 hộ dân hiến gần 56 nghìn m2 đất và tài sản trên đất ước tính trị giá hơn 4,7 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa và nhựa hóa đạt 95%, hệ thống kênh mương tưới tiêu được kiên cố hóa 85%. Đồng thời, các hạng mục trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa xóm và các công trình phúc lợi xã hội khác cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố...

 

Xác định việc XDNTM không chỉ dừng lại ở khâu hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mà điều quan trọng hơn là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao, xã đã xây dựng Đề án hỗ trợ sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân và triển khai mở rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như mô hình sản xuất nấm của gia đình anh Đỗ Ngọc Tú, ở xóm Bến. Với diện tích xưởng rộng hơn 1ha, trung bình mỗi ngày gia đình anh Tú cung cấp cho thị trường 2 tạ nấm các loại như: nấm Sò, Linh chi, nấm ngô... Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Tú chia sẻ: Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, năm 2011, tôi bắt tay vào trồng nấm. Ban đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm chưa có. Dần dà, tôi đã học hỏi được cách ủ, đóng bầu và chăm sóc nấm sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, cơ sở sản xuất nấm của gia đình tôi thuê 5 nhân công làm việc với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm đạt trên dưới 2 tỷ đồng. Được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện mở rộng mặt bằng, gia đình tôi rất yên tâm phát triển sản xuất.

 

Ngoài mô hình trồng nấm của gia đình anh Tú, trên địa bàn xã còn có nhiều các mô hình, dự án khác như: thâm canh lúa thuần chất lượng cao, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi lợn hướng lạc, mô hình sử dụng phân nén dúi sâu vào sản xuất lúa lai; dự án trồng chè giâm cành; dự án trồng khoai tây vụ đông, mô hình sản xuất giống lúa hàng hóa... Thông qua thực hiện các mô hình, dự án, người dân đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và liên kết với các nhà hàng, siêu thị trong tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Để tạo điều kiện cho người dân, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được trên dưới 10 lớp đào tạo nghề với một số ngành nghề phù hợp với điều kiện địa phương; tổ chức 50 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Ngoài ra, xã còn có những chính sách tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Từ đó, đã góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm, đến năm 2016 tăng lên 31,16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 12,3% đến năm 2016 giảm còn 4,67% trong tổng số 2.379 hộ.

 

Có thể nói, nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân, đồng thời đề cao vai trò chủ thể của mỗi người dân, Đắc Sơn đã gặt hái được những thành quả bước đầu trong XDNTM. Đây cũng chính là tiền đề để xã thực hiện thành công mô hình NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.