Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất kinh doanh

16:53, 11/03/2017

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ phát động đã hỗ trợ nhiều hội viên tổ chức sản xuất hàng hóa lớn; mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới; khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập thường xuyên từ 4-5 triệu đồng/người/tháng...

Anh Nguyễn Văn Nhang sau nhiều năm đi làm thuê khắp nơi đã trở về địa phương ở xóm Sộp, xã Huống Thượng để tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội Nông dân xã Huống Thượng về vốn vay và kỹ thuật, gia đình anh chọn chăn nuôi gà đẻ trứng, lợn nái và chuyển đổi dần 6 sào trồng cây màu của gia đình sang trồng cây mía, bưởi, táo. Anh Nhang cho biết: Nhà có nhiều diện tích đất mầu mỡ do gần sông được phù sa vun đắp nên năm 2010 tôi quyết định tập trung đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Lúc đầu, do kinh nghiệm chưa có nên gia đình gặp không ít khó khăn. Chăn nuôi gà, lợn có lúc bị bệnh trở tay không kịp; cây bưởi, táo, tỷ lệ ra hoa đậu quả kém. Nhưng gia đình tôi không nản chí, tích cực đi học hỏi kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu qua sách báo, và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Dần dần, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, về chăn nuôi, gia đình tôi thường nuôi khoảng 1,7 nghìn con gà bố mẹ, trung bình mỗi năm gia đình tôi xuất bán được khoảng 255 nghìn quả trứng cho các cơ sở ấp gà con. Gia đình tôi cũng nuôi 22 lợn nái, mỗi năm xuất chuồng trên 200 con lợn giống. Cùng với đó, mỗi năm cây bưởi, táo, mía cũng cho thu hoạch đều đặn khoảng 10 tấn quả táo, trên 1 nghìn quả bưởi và gần 17 nghìn cây mía. Như vậy, tính trung bình, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 400 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng cây mía, cây ăn quả các loại. Được biết, năm 2016 đến nay, gia đình anh Nhang đã thuê kỹ sư chăn nuôi, đồng thời tạo việc định ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Gia đình ông Hoàng Văn Việt xóm Làng Mới, xã Tân Long cũng mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng và từ đó đã vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả. Ông Việt cho biết, nhận thấy cây cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn phù hợp với chất đất, khí hậu của địa phương, được Hội Nông dân xã động viên, giúp đỡ về kỹ thuật và vay vốn, gia đình tôi đã chuyển đổi 5 sào đất vườn sang trồng cây ăn quả. Để  thành công, ngoài việc tìm về những địa phương đang có thế mạnh về cây này để học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng tôi đã tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Khuyến nông huyện tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây. Hiện nay, từ 50 cây bưởi Diễn, trung bình mỗi năm gia đình ông Việt thu hoạch được trên 3 nghìn quả; 450 cây cam Canh, cam Vinh mỗi năm thu hoạch trung bình 13 tấn quả. Như vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm từ mô hình cây ăn quả này.

 

Gia đình anh Nhang và ông Việt là hai trong số 3,6 nghìn hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2016 trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân huyện phát động. Qua Phong trào, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu lãi trên 300 triệu đồng/năm từ mô hình tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt, như hộ ông Hoàng Văn Vụ, xóm Sơn Cầu, xã Hóa Thượng; hộ ông Tô Văn Sáu, xóm Bà Đanh 2, xã Minh Lập; hộ ông Trương Văn Quảng, xóm Tân Yên, xã Hòa Bình; hộ ông Phạm Duy Tình, xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị…

 

Trao đổi về việc triển khai thực hiện hiệu quả phong trào này, bà Vũ Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho biết: Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ có trên 14,6 nghìn hội viên sinh hoạt tại 250 chi hội. Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trở thành phong trào sôi nổi, có hiệu quả, những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Huyện Hội đã tổ chức 100 lớp tập huấn và dạy nghề ngắn hạn cho gần 5,5 nghìn lượt hội viên, nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản, bảo vệ thực vật… Hội đã xây dựng và phối hợp với các phòng, ngành xây dựng mô hình trình diễn giống cây trồng, lúa giống mới; tổ chức cho hàng trăm hội viên tham quan các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Trong năm, Hội đã xây dựng được 23 mô hình hộ và nhóm hộ sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp; tổ hợp tác sản xuất; dịch vụ phân bón trả chậm… Cùng với đó, Huyện Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, ứng truớc vật tư, phân bón để phát triển sản xuất. Thông qua Hội, trên 3,4 nghìn hộ hội viên đã được vay vốn để phát triển sản xuất với dư nợ đạt trên 110 tỷ đồng…

 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác liên kết "4 nhà" để giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của mỗi hộ. Trong năm 2017, Hội sẽ xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân do hội quản lý để các hội viên nông dân được vay vốn phát triển kinh tế; xây dựng 23 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả làm điểm, giúp hội viên nông dân học tập, làm theo; khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào.