Khi doanh nghiệp trách nhiệm

11:13, 25/03/2017

Mới đây, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (Công ty LKĐ) đã tiếp tục khởi động Dự án khai thác mỏ sắt Tây Chỏm Vung, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) sau hơn 6 tháng tạm dừng. Đây là dấu hiệu tích cực góp phần giải quyết những khó khăn tức thời cho một số hộ dân vùng sụt lún, mất nước. Tuy nhiên, việc triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án không phải là phương án giải quyết dứt điểm tình trạng sụt lún, bởi đối tượng ảnh hưởng không chỉ nằm trong phạm vi của dự án này. Trước thực tế trên, một loạt giải pháp đã được đề xuất, trong đó đáng chú ý có các giải pháp mang tính khả thi cao của doanh nghiệp khai khoáng.  

Câu hỏi được đặt ra là tại sao việc Công ty LKĐ tiếp tục bồi thường GPMB Dự án, giúp một số hộ vùng ảnh hưởng sụt lún di chuyển ra chỗ ở mới lại chưa phải là giải pháp dứt điểm? Ở đây, bản chất của sự việc không đơn giản chỉ có một số hộ trong vùng Dự án mỏ sắt Tây Chỏm Vung mà phạm vi ảnh hưởng tới trên 130 hộ dân vùng lân cận. Và đặc biệt, tại khu vực này không phải chỉ có mỗi Công ty LKĐ khai thác mà có ít nhất 4 doanh nghiệp khác đang cùng hoạt động.

 

Điều không thể bàn cãi ở đây là, chính hoạt động khai thác khoáng sản là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, mất nước của nhiều hộ dân ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa doanh nghiệp nào chính thức đứng ra chịu trách nhiệm gây ra sụt lún, mất nước. Thực tế thì từ năm 2006, khi chỉ có Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) tiến hành khai thác khoáng sản tại moong Thác Lạc III, không ít hộ dân thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị đã bị sụt lún, mất nước. Lúc đó, đơn vị này đã phải chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân vùng ảnh hưởng. Năm 2014, Mỏ sắt Trại Cau tiếp tục khai thác tại moong ầng sâu Núi Quặng với độ sâu âm tới 50m thì tình trạng sụt lún, mất nước khu vực xung quanh gồm tổ 12, 14, 15 của thị trấn Trại Cau và các xóm Trại Cau, Kim Cương và Hòa Bình của xã Cây Thị. Ở thời điểm này, cùng với Mỏ sắt Trại Cau có thêm 3 đơn vị khác khai thác khoáng sản khu vực liên quan gồm Doanh nghiệp Anh Thắng, Công ty LKĐ và Công ty CP Kim Sơn. Do đó, Mỏ sắt Trại Cau chưa thừa nhận đã làm ảnh hưởng tới toàn bộ số hộ nói trên. Bởi thế, trong năm 2016, đơn vị này cùng huyện Đồng Hỷ chỉ chi trả bồi thường di chuyển chỗ ở cho 8 hộ dân ở tổ 14 thị trấn Trại Cau.

 

Theo các nhà địa chất học thì hiện tượng sụt lún đất là do bị mất nước ngầm trong thời gian dài. Tại khu vực Trại Cau, việc Mỏ sắt Trại Cau khai thác mỏ tại tầng sâu Núi Quặng ở độ sâu âm 50m phải thường xuyên hút nước lên được xem là nguyên nhân gây mất nước ngầm. Sau nhiều lần bàn bạc giữa các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Đồng Hỷ và các doanh nghiệp liên quan, đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất doanh nghiệp nào gây ảnh hưởng và phải chịu trách nhiệm.

 

Được biết, Dự án khai thác mỏ Tây Chỏm Vung của Công ty LKĐ nằm hoàn toàn trong vùng bị sụt lún, mất nước. Dù khai thác trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 2 đến tháng 7-2016), diện tích nhỏ (gần 1ha) lại ở tầng trên (độ sâu dương 35m), không phải bơm nước ngầm và dừng giữa chừng do một số người dân chưa đồng thuận di dời (đề nghị được bồi thường giá gấp 2, 3 lần so với giá quy định của Nhà nước), nhưng Công ty vẫn bị xem là đơn vị gây ảnh hưởng sụt lún, mất nước. 

 

Trước thực tế trách nhiệm của từng doanh nghiệp chưa được làm rõ, để người dân vùng sụt lún sớm có cuộc sống yên ổn, đòi hỏi phải có doanh nghiệp tiên phong cùng với chính quyền giải quyết vấn đề. Công ty LKD là đơn vị đã rất sốt sắng vấn đề này. Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty đề xuất: Vì chưa giải phóng được mặt bằng khiến Dự án mỏ sắt Tây Chỏm Vung bị chậm tiến độ, nên đề nghị UBND tỉnh tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác đối với mỏ này thêm 5 năm để hoàn thành phần diện tích 9,7ha như đã được duyệt. Đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ tiếp tục thực hiện công tác bồi thường GPMB toàn bộ Dự án. Đồng thời tiến hành di dời khẩn cấp các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng ra bên ngoài ổn định cuộc sống. Công ty đã tạm ứng trước gần 2 tỷ đồng để huyện tổ chức di dời đối với các hộ cần thiết phải di chuyển ra chỗ ở mới. Tuy nhiên, đây là phương án bồi thường GPMB của riêng Công ty LKĐ và chỉ có tác dụng đối với các hộ nằm trong vùng dự án của đơn vị. Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng sụt lún trên phạm vi rộng, Công ty đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm mời (thuê) đơn vị đủ năng lực chuyên ngành về địa chất, khoáng sản về đánh giá thực tế hiện tượng sụt lún, mất nước để có kết luận chính thức nguyên nhân, đối tượng gây ra hiện tượng trên. Từ đó, yêu cầu đơn vị gây ra hậu quả phải có trách nhiệm chính đền bù đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu nguyên nhân là do lỗi chung thì tất cả các doanh nghiệp khai khoáng đang hoạt động ở khu vực này phải cùng có trách nhiệm đền bù.

 

Theo chúng tôi, đây là những đề xuất mang tính khả thi cao, nhất là trong bối cảnh một số hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải làm lán ra ngoài ở tạm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang gặp nhiều khó khăn và Dự án mỏ sắt Tây Chỏm Vung bị chậm tiến độ. Từ khi xảy ra hiện tượng sụt lún, mất nước ở đây, mấu chốt của vấn đề chính là việc chưa có kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn xác định doanh nghiệp nào gây ra. Bởi vậy, việc tỉnh sớm thuê đơn vị chuyên môn về kết luận là lời giải quan trọng và cốt lõi nhất. Mặt khác, trong bối cảnh này, rất cần các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực này phải cùng có trách nhiệm ngồi lại với nhau bàn giải pháp giải quyết, tránh trường hợp “cha chung không ai khóc” đổ lỗi cho nhau và đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, vấn đề cần làm ngay lúc này vẫn chính là di dời các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng ra khỏi khu vực sụt lún.