Khó khăn ở Yên Trạch

08:07, 30/03/2017

Là một xã đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, xã Yên Trạch đang gặp nhiều trở ngại trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đến nay, xã mới đạt 10/19 tiêu chí, là xã có số tiêu chí đạt thấp nhất của huyện Phú Lương.

Xã Yên Trạch có diện tích đất tự nhiên trên 3 nghìn ha, với 1.687 hộ dân; 6.116 nhân khẩu, Người dân xã Yên Trạch làm nông nghiệp là chủ yếu (chiếm 94,56%).

Các tiêu chí xã chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường. Ông Ma Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Với các tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, xã nhận thấy có thể huy động các nguồn lực để đạt chuẩn theo kế hoạch. Tuy nhiên, với các tiêu chí: giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, đặc biệt là tiêu chí giao thông, xã khó có thể thực hiện được trước năm 2020.

 

Cụ thể, về giao thông, đến nay toàn xã mới bê tông hóa được 8km đường trục xã, hơn 8km đường trục thôn, gần 1km đường ngõ xóm. Hiện xã còn hơn 4km đường trục thôn, 47km đường ngõ xóm là đường đất cần được bê tông hóa và đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, việc huy động người dân đóng góp tiền của, vật chất để XDNTM hầu như rất hạn chế, bởi tổng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chiếm tới 78%, trong đó có 600 hộ nghèo, xấp xỉ 36%, là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Phú Lương. Anh Nguyễn Đình Chính, Trưởng xóm Na Mẩy chia sẻ: Do nhiều đoạn đường của xóm chưa được bê tông nên việc đi lại của người dân đã gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Các hộ dân của xã còn nghèo vì thế không có tiền đóng góp để xây dựng hạ tầng giao thông.

 

Đối với việc thực hiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, mặc dù xã đã triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nhưng kết quả đạt được chưa cao. Nhiều hộ nghèo còn thiếu đất sản xuất. Một số hộ nghèo do chưa có tư tưởng thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên chưa thực sự tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 18 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh. Ông Ma Văn Tý cho biết thêm: Các hộ gia đình mới chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư các loại nông sản có năng suất cao. Hiện nay, xã vẫn chưa có mô hình hợp tác xã, chỉ có một tổ hợp tác sản xuất gỗ. Xã cũng đã thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, tuy nhiên mỗi chương trình, dự án đầu tư cho một lĩnh vực riêng, có chủ đầu tư khác nhau, nguồn vốn còn hạn chế nên việc chủ động lồng ghép theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

 

Ngoài ra, về tiêu chí môi trường, xã vẫn chưa có tổ chức thu gom rác thải tập trung. Do phong tục tập quán, nguồn lực đầu tư ít nên còn hơn một nửa số hộ dân trên địa bàn xã chưa có đủ 3 công trình (nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước).

 

Với những khó khăn đó có thể thấy kế hoạch từ nay đến năm 2020, xã Yên Trạch phấn đấu đạt chuẩn NTM là điều rất khó. Để đạt được mục tiêu này, xã đã và đang tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con thực hiện các phong trào như hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo vườn đồi, tạo nguồn sinh kế lâu dài, nâng cao thu nhập cho người dân; nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, con giống và các trang thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp, định hướng đầu ra của các sản phẩm sau thu hoạch góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống. Hàng năm xã tiến hành rà soát phân loại hộ nghèo, tổng hợp các nhu cầu, xác định nguyên nhân để có biện pháp phân công các cán bộ xã, tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư giúp đỡ, hỗ trợ.