Để làm ra thực phẩm an toàn, người sản xuất phải đầu tư cao hơn so với phương pháp sản xuất đang áp dụng đại trà, điều đó đồng nghĩa với việc giá sản phẩm bán ra thị trường phải cao hơn. Nhưng với thói quen sử dụng thực phẩm dễ dãi, tùy tiện của đa số người tiêu dùng như hiện nay thì khó có thể mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, từng là xã viên Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) những năm 2002-2009 cho biết: “Để có các sản phẩm rau an toàn cung cấp ra thị trường, người nông dân cần đầu tư chi phí, công sức, thời gian lớn nên mức giá sẽ không thể rẻ như rau trồng theo cách thông thường. Sản phẩm rau an toàn thường phải đầu tư nhà bạt, hệ thống vòi phun sương tạo ẩm, nhà lưới, phòng trừ dịch hại tổng hợp, thậm chí dùng cả rượu pha gừng phun trừ sâu thay hóa chất bảo vệ thực vật nên rất tốn kém. Trong khi đó, rau an toàn bán ra thị trường chỉ cao hơn 1-2 nghìn đồng/mớ là đã bị người tiêu dùng bỏ qua. Ngoài ra, rau an toàn không tươi non mơn mởn, đẹp mã như rau có phun thuốc bảo vệ thực vật nên người tiêu dùng lại thấy không ngon, ít lựa chọn”.
Đồng cảm với ông Thành, ông Tạ Văn Hùng, nguyên Chủ nhiệm HTX rau an toàn Ngọc Lâm kể lại câu chuyện về thất bại trong kinh doanh sản phẩm an toàn của gia đình mình và HTX. Đó là vào năm 2002, thông qua các chương trình khuyến nông, các dự án tài trợ của nước ngoài, HTX rau an toàn Ngọc Lâm được thành lập với đủ tiêu chí "4 nhà" là nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý và doanh nghiệp. HTX được ưu tiên hỗ trợ 3 quầy hàng tại các chợ khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Nhưng sau ngày khai trương, lượng khách đến thưa dần và đến năm 2009, các quầy hàng buộc đóng cửa vì kém hiệu quả. Rau an toàn không bán được vì xấu mã, giá cao, xã viên tự phá vỡ quan hệ hợp tác sản xuất, gần 7ha rau an toàn của 60 hộ xã viên chuyển về sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Bên cạnh sản phẩm rau an toàn, thịt lợn sạch cũng rất khó mở rộng quy mô sản xuất. Theo quan niệm của người dân, thịt lợn sạch lại là sản phẩm từ những con lợn không sử dụng cám tăng trọng, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống hoặc theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, chăn nuôi theo phương thức này dù có bán thịt lợn với giá cao cũng không có lãi, trong khi thị trường tiêu thụ hẹp. Anh Phan Văn Hoàn, ở xã Tân Dương (Định Hóa) cho biết: Một con lợn sạch nuôi bằng cám gạo, ngô, không chăn thức ăn công nghiệp phải mất 6-7 tháng mới xuất chuồng, trong khi lợn nuôi công nghiệp, cám tăng trọng… chỉ mất có 3-4 tháng. Do đó, giá thành chăn nuôi đội lên gấp gần 2 lần. Ngoài ra, nuôi theo cách này, một hộ chỉ nuôi được 2-3 con vì chỉ bán được cho người thân, quen đặt hàng trước, còn thương lái chỉ mua bằng giá thị trường. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều thương lái bán thịt lợn không rõ nguồn gốc lại quảng cáo là thịt "sạch" khiến người tiêu dùng mất lòng tin.
Có thể thấy, việc sản xuất thực phẩm an toàn vẫn còn gặp khó khăn, người sản xuất và tiêu dùng chưa mặn mà. Đơn cử với sản phẩm rau an toàn người tiêu dùng chưa tin tưởng nên không chọn mua sản phẩm, tiêu thụ qua các kênh phân phối khác cũng gặp không ít khó khăn, như: các trường tiểu học, mầm non yêu cầu mỗi ngày một loại rau, giá không cao hơn rau sản xuất theo phương pháp thông thường, nên cơ sở sản xuất rau an toàn rất khó tiếp cận, vì cánh đồng rau trồng hàng héc-ta không thể làm nhỏ lẻ, kiểu xôi đỗ; một số bếp ăn muốn mua nhưng lại không tiếp cận được với người trồng rau vì ủy quyền qua hệ thống dịch vụ phân phối; không ít bếp ăn lại quan niệm dùng thiết bị máy sục ozone sẽ làm sạch rau…
Từ thực tế sản xuất, tiêu dùng rau, thịt sạch, có thể thấy kết nối cung và cầu vẫn còn nhiều khoảng trống, nhất là với vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng thực phẩm an toàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô sản suất và khó khăn trong kiểm soát chất lượng trên thị trường.