Mô hình chăn khép kín nuôi vịt đẻ trứng của chàng thanh niên 9x Phạm Văn Biên (sinh năm 1990) thôn Khẩu Cuộng, xã Thanh Định, (Định Hoá) thu lãi gần 200 triệu đồng/năm đang được nhiều người tham quan, học hỏi bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm mô hình chăn nuôi vịt đẻ và lò ấp trứng, chúng tôi khá ấn tượng trước quy mô xây dựng chuồng trại và lò ấp với hàng vạn qủa trứng. Diện tích trang trại rộng khoảng 2.000m2, được gia đình anh bố trí khoa học. Ngoài nơi để vịt ăn uống, nghỉ ngơi anh còn bố trí khoảng sân chơi và 2 cái ao để 1.000 con vịt đẻ trứng bơi lội, trông thoáng mát, sạch sẽ và đẹp mắt.
Nói về quá trình xây dựng chuồng trại, anh cho biết: Trước đây, bố mẹ tôi cũng nhiều năm nuôi vịt nhưng chỉ theo hình thức quảng canh, lợi nhuận thấp. Đến năm 2012, tôi đã xin ý kiến bố mẹ để cải tạo lại toàn bộ ao, chuồng trại, mua vịt giống về nuôi. Ban đầu, Hội nuôi khoảng 200 con sau phát triển lên 1.000 con. Tôi luôn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, đảm bảo thức ăn đủ chất dinh dưỡng nên vịt đẻ nhiều, ít dịch bệnh. Trung bình mỗi ngày 1.000 con đẻ khoảng 940 quả trứng.
Có sẵn nguồn trứng, anh đầu tư gần 40 triệu đồng mua 2 lò ấp. Do trong xã chưa có lò ấp nên anh đã nhận bao tiêu trứng vịt cho một số hộ trong vùng… Sản phẩm của anh bán rất chạy từ trứng vịt lộn đến vịt con. Vịt đẻ trứng ngày nào anh cho ấp ngày đó. Mỗi quả trứng khi ấp thành phẩm vịt lộn mất thời gian 17 ngày, vịt con là 28 ngày, đưa ra soi để loại bỏ những quả không có phôi. Trứng ấp bằng máy tự động, luôn đạt tỷ lệ từ 95 - 96%. Cứ thế quay vòng, ngày nào lò ấp trứng của anh Biên cũng cho ra 500 quả trứng vịt lộn, 800 quả trứng, 100 vịt con. Với giá trung bình 2 loại trứng là 3.000 đồng/quả, một ngày gia đình anh xuất khoảng 1.300 quả, thu về gần 4 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, tiền điện… anh thu lãi trên 500.000 đồng/ngày.
Ngoài mô hình chính là nuôi vịt, gia đình anh Biên còn chăn 22 con lợn bột, 8 con lợn rừng, trồng 1,5ha keo, 2 ao cá, gần 1,6 mẫu ruộng và chè. Tổng thu nhập mỗi năm khoảng trên 200 triệu đồng. Ở địa phương vốn nghèo, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn thì mô hình của gia đình anh đáng để nhiều người xung quanh học hỏi. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Biên sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi cho hàng chục lượt người trong và ngoài xã, giúp đỡ được 3 hộ nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bằng hình thức vay tiền, cấp giống lợn con tư vấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi thú y.
Anh Ma Doãn Hội, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Định cho biết: Đây là mô hình nuôi vịt và lò ấp trứng đầu tiên của xã. Mô hình là điển hình mẫu, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả sáng tạo cho thanh niên, phù hợp với điều kiện của người dân trong xã.