Thứ 3, 14/01/2025, 11:37

Mạnh dạn đầu tư vào nông sản công nghệ cao

11:17, 21/03/2017

Chúng tôi đến trang trại Nông nghiệp sạch Thái Nguyên(Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc) ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vào thời điểm những vườn cà chua, rau cải Nhật Bản, ớt ngọt được trồng theo quy trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang chuẩn bị cho thu hoạch. Những giàn cà chua mắc cao hơn một mét được trồng song song thẳng tắp, gọn gàng; thân và lá cây cà chua xanh tốt, từng quả cà chua đang dần ngả từ màu vàng lục sang màu đỏ tươi căng bóng trông rất bắt mắt. Không xa vườn cà chua là khu vườn trồng rau cải Nhật Bản.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh (năm 2015), Dự án trang trại Nông nghiệp sạch Thái Nguyên của Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc rộng 26ha, thuộc 2 xóm Tân Thái và Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Trong đó, 10ha trồng rau cải Nhật Bản, cà chua, ớt ngọt; cây dược liệu như Hà Thủ Ô, Đinh Lăng theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco và 7ha mặt nước trong đó 4ha nuôi cá lồng, 3ha nuôi trồng thủy sản khác, còn lại là khu chế biến và sản xuất giống.

Anh Hồng Sỹ Hưng, Phó Giám đốc Dự án cho biết: Ý tưởng đầu tư xây dựng trang trại Nông nghiệp sạch Thái Nguyên ban đầu chỉ xuất phát từ việc công nhân của chúng tôi 2 lần bị ngộ độc do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên sau khi đi vào đầu tư, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư trang trại rất phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh bởi đây là hướng đi giúp nông dân có thể tiếp cận được với quy trình sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao.

 

Với mục tiêu hợp tác với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nhằm ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất từ các nước Israel, Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp; trồng các loại rau xanh hữu cơ với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, kinh phí đầu tư cho Dự án dự kiến khoảng 100 tỷ đồng để đầu tư giải phóng mặt bằng, cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới nước, hệ thống nhà kính, nhà lưới. Từ khi được phê duyệt đến nay, Dự án đã đầu tư 30 tỷ đồng phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng (15ha), xây dựng cơ sở hạ tầng của trang trại (nhà lưới, nhà làm việc…). Theo đó, Dự án đã trồng được 15.000 cây hoa lily, 1 ha cà chua, 500m2 rau cải Nhật Bản, 1.000m2 ớt ngọt và 1ha các loại rau khác, thả được 1ha cá.

 

Theo anh Hưng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải cập nhật các kỹ thuật cao nên trang trại đã thu hút 20 người là thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp, các sinh viên của Trường Đại học Nông lâm đã hoàn thành chương trình học tập tại những nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới vào làm việc để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hiện, Trang trại đã ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt, đây là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ chảy ra chậm với lưu lượng không đổi của Israel giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Cây được tưới bằng nguồn nước sạch, thậm chí có thể uống trực tiếp… Sản phẩm của trang trại hiện đang cung cấp cho siêu thị Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) và một số siêu thị ở Hà Nội. Cô Phạm Thị Hợp, người dân sống ở tổ 1 phường Trưng Vương chia sẻ: Rau quả ở các siêu thị thường có giá bán cao hơn ở chợ 2-3 lần nhưng tôi vẫn mua vì thấy yên tâm về độ an toàn. Nếu các trang trại sản xuất ra các sản phẩm rau chất lượng cao mà giá cả phải chăng thì tôi sẽ ủng hộ nhiệt tình.

 

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, có lẽ sản phẩm trang trại tâm đắc nhất là hoa lily và cà chua. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, thời tiết ấm áp hơn mọi năm nên ngay từ đầu tháng chạp, hoa lily ở các vùng trồng hoa trong tỉnh như Huống Thượng (Đồng Hỷ), Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã nở. Vì thế hoa lily mất giá, mỗi cành chỉ bán được với giá từ 8.000 đến 15.000 đồng/cành (trong khi một củ giống hoa lily phải mua với giá 18.000 đến 20.000 đồng một củ). Tuy nhiên do áp dụng các quy trình kỹ thuật nên hoa lily của trang trại vẫn nở đúng dịp Tết Nguyên đán, giá mỗi cành hoa lily bán được với giá 30.000 đồng. Do trồng với số lượng lớn (15 nghìn cây), trang trại đã lãi hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt là nhờ có các kỹ sư nông nghiệp, Trang trại đã tái tạo lại được giống hoa lily và lần tới đây chúng tôi sẽ không mất tiền mua giống như lần đầu. Bởi vậy, dự kiến sẽ cho thu lãi cao hơn. Hay như sản phẩm cà chua của trang trại, ít sâu bệnh cho nhiều quả, bán với giá cao hơn cà chua sản xuất theo phương pháp truyền thống gấp 2 lần (20.000 đồng/kg).

 

Bên cạnh những thành công thì trang trại cũng đã thất bại khi trồng thử nghiệm giống củ cải đỏ và bị thua lỗ hơn 50 triệu đồng. Anh Hưng cho rằng đây là bài học để trang trại đầu tư lựa chọn các giống rau phù hợp hơn.

 

Theo anh Hưng, sản phẩm nông nghiệp là năng lượng chính cung cấp cho con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý mỗi cá nhân. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm phải chi một tỷ đô la cho nhập khẩu rau củ quả, vậy tại sao chúng ta không tận dụng quỹ đất để làm nông nghiệp công nghệ cao? Từ những trăn trở đó, anh và các thành viên trong Doanh nghiệp đã dồn tâm huyết để phát triển trang trại này. Để trang trại hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hoạt động ổn định, doanh nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư cho các hộ dân; đầu tư hoàn thiên nhà sản xuất giống các loại rau quả hữu cơ, khu chế biến rau quả. Khi dự án đạt được kết quả sẽ tiến hành giúp nông dân trong vùng về kỹ thuật, cơ sở vật chất để sản xuất ra được những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; liên kết với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, những gia đình có thu nhập cao ở Hà Nội để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hải Bắc, Bí thư Đảng bộ xã Hóa Thượng nói: Đây là mô hình nông nghiệp mới, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho thị trường. Mô hình có vốn đầu tư lớn do đó địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, tiến tới nhân rộng công nghệ trên địa bàn.