Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu trên mạng Internet và đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2016, bà Hoàng Thị Sinh, xóm 7, xã Kim Sơn đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi thỏ quy mô lớn đầu tiên ở huyện miền núi Định Hóa. Từ mô hình này, mỗi tháng gia đình bà có nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng. Điều đáng nói là toàn bộ số thỏ thương phẩm đều được Công ty Nippon Zoki Nhật Bản (trụ sở tại Bắc Ninh) ký hợp đồng bao tiêu.
Đến thăm mô hình nuôi thỏ của bà Hoàng Thị Sinh, chúng tôi thấy khu chuồng trại được bà thiết kế khá quy mô và khoa học. Trên diện tích đất khoảng 300m2, bà Sinh xây dựng 2 dãy chuồng kiên cố, mỗi dãy được ngăn thành từng lồng, mỗi lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi thỏ, kích thước mỗi ngăn cỡ 50cmx70cm. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách nền chuồng khoảng 50-60cm.
Bà Sinh chia sẻ: Giống thỏ gia đình tôi đang nuôi là thỏ New Zealand, trọng lượng từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành đều cao hơn giống thỏ địa phương. Sau 3 tháng nuôi, thỏ có thể đạt trọng lượng bình quân từ 2,2-2,5 kg/con, sau 4 tháng tuổi đạt 3,5-4kg/con. Giống thỏ này có khả năng sinh sản khá cao, thỏ cái sau 5 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 7-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 8-10 con (trong khi giống thỏ ta chỉ đẻ 2-3 con/lứa).
Trước khi đến với mô hình nuôi thỏ, gia đình bà Sinh sống bằng nghề sản xuất và kinh doanh lâm sản nhưng vài năm trở lại đây do việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn nên bà đã quyết định chuyển hướng sang nuôi thỏ. Sau khi nắm bắt vững kỹ thuật, bà đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư chuồng trại để nuôi thêm 150 con thỏ sinh sản. Toàn bộ số thỏ con sau khi sinh sản (khoảng 1.200 con/lứa) được chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi đủ 3 tháng tuổi sẽ được Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản thu mua. Với giá thu mua của Công ty hiện nay là 176.000 đồng/con thỏ 3 tháng tuổi (trọng lượng từ 2,2-2,5kg), thì gia đình bà Sinh thu lãi khoảng 60.000 đồng/con thỏ. Như vậy, với quy mô khoảng 1.200 con thỏ thương phẩm/lứa, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình bà Sinh thu lãi trên 20 triệu đồng.
Sau một thời gian gắn bó với mô hình nuôi thỏ New Zealand, bà Sinh chia sẻ kinh nghiệm: So với chăn nuôi lợn, gà thì nuôi thỏ lãi hơn nhiều vì thỏ ít mắc bệnh, ăn ít, không kén thức ăn, có thể tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình. Tuy nhiên, thỏ là loài chịu lạnh rất kém nên cần giữ ấm vào mùa đông và thích hợp với sự yên tĩnh. Thức ăn của thỏ phải khô, không để dính nước nếu không thỏ sẽ bị bệnh đi ngoài. Thỏ là loại gặm nhấm nên chủ yếu cho ăn vào ban đêm. Do vậy, cần phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của thỏ. Còn việc phòng bệnh cho thỏ cũng không quá khó khăn. Những bệnh thường gặp ở thỏ chỉ là số bệnh như nấm ngoài da hoặc bệnh tiêu chảy nên rất dễ trong việc phòng và điều trị. Chỉ cần tiêm vắc xin các loại cho thỏ thịt sau một tháng tuổi, còn đối với thỏ mẹ sinh sản thì tiêm vắc xin trước khi cho phối giống một lần là được.
Thời gian gần đây, một số người dân địa phương thấy mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình bà Hoàng Thị Sinh đem lại lợi nhuận kinh tế cao lại có tính chất bền vững nên đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm và mua con giống về chăn nuôi. Bà Sinh luôn nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăm sóc đàn thỏ cho tất cả mọi người. Từ thành công bước đầu của mô hình, bà Sinh dự định thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi với số lượng trên 500 con thỏ sinh sản nhằm đảm bảo cung cấp giống cho bà con nhân dân trên địa bàn có nhu cầu; đồng thời, đáp ứng nhu cầu thu mua thỏ thương phẩm ngày lớn của Công ty Nippon Zoki Nhật Bản. Hiện tại, bà Sinh đang tập hợp những hộ gia đình có nhu cầu chăn nuôi thỏ trên địa bàn xã để đăng ký thành lập hợp tác xã. Gia đình bà sẽ là nơi cung ứng giống và là đầu mối bao tiêu đầu ra cho những hộ gia đình chăn nuôi thỏ tại địa phương.
Mặc dù chăn nuôi thỏ không phải là mô hình mới, song việc đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn và bài bản như gia đình bà Hoàng Thị Sinh thì đây mới là mô hình đầu tiên ở huyện miền núi Định Hóa. Vì vậy, đây sẽ là mô hình để nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Kim Sơn nói riêng và huyện Định Hóa nói chung có thể nghiên cứu để tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu cho gia đình.