Với việc có hàng nghìn hộ dân sinh sống trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai), vấn đề quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng luôn gặp khó khăn. Chính vì vậy, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã tích cực triển khai chính sách giao rừng cho các tổ quản lý, bảo vệ, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, qua đó, đã phát huy vai trò tích cực của người dân trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng.
Với diện tích gần 20.000ha, rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Võ Nhai. Hiện nay, có hơn 6.000 hộ dân đang sinh sống tại vùng lõi và vùng đệm của rừng đặc dụng nên những năm trước, việc người dân vào rừng khai thác, vận chuyển diễn ra khá phổ biến. Điều này gây khó khăn rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ cho lực lượng chức năng. Ông Hà Văn Thư ở xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc chia sẻ: Phần lớn người dân chúng tôi sinh sống trong khu vực có rất ít đất ruộng, chung quanh chỉ toàn là đất rừng đặc dụng nên khó khăn trong phát triển kinh tế. Vì vậy, thời gian trước, việc lên rừng lấy củi, phát nương làm rẫy, khai thác trái phép lâm sản diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, từ năm 2015, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã chủ động giao rừng cho các Tổ quản lý nên vai trò của người dân đối với việc bảo vệ rừng đã được nâng lên. Hiện nay, tổ của chúng tôi có hơn 20 hộ dân ở xóm Nghinh Tác được giao 150ha rừng. Cách 2 tuần, các tổ viên lại thay nhau và cùng các cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý đi kiểm tra để phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Xã Thần Sa (thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng) từng có thời gian là điểm nóng về tình trạng khai thác khoáng sản, vận chuyển lâm sản trái phép trong rừng đặc dụng. Tuy nhiên, từ khi người dân thành lập các tổ để làm hợp đồng giao khoán, nhận bảo vệ rừng với Ban Quản lý Khu bảo tồn thì tình trạng xâm hại đến rừng đặc dụng đã giảm hẳn. Ông Lê Văn Học, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa cho biết: Hiện nay, tổ bảo vệ rừng xóm Xuyên Sơn có gần 40 hộ dân, tiện tích rừng chúng tôi được nhận giao bảo vệ là gần 200ha, nếu tổ nào không làm tốt, không đúng theo hợp đồng sẽ không được chi trả tiền…
Còn anh Lê Văn Du, Phó ban Lâm nghiệp xã Thần Sa cho biết: Những năm trước, ngoài việc khai thác gỗ trái phép thì tình trạng người dân địa phương vào rừng chặt hạ những cây gỗ có đường kính từ 10cm trở xuống về làm củi rất phổ biến. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương giao rừng cho các tổ tại các xóm thì tình trạng này rất ít xảy ra, bởi những trường hợp vi phạm trong bản hợp đồng sẽ không được chi trả tiền. Hiện tại, xã Thần Sa có 5 tổ làm hợp đồng nhận giao khoán rừng với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, với tổng diện tích rừng được giao là 800ha.
Được biết, từ năm 2015, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã thực hiện chính sách giao rừng của Nhà nước cho các hộ dân. Đến nay, công tác này đã được triển khai ở hầu hết các xã có rừng đặc dụng, với tổng diện tích rừng đã được giao cho các tổ quản lý, bảo vệ là hơn 8.200ha, trong đó, 800ha rừng đã được chi trả với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng (do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên việc chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng sẽ được thực hiện luân phiên).
Ông Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng chia sẻ: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, Ban Quản lý khu bảo tồn đã đưa ra nhiều giải pháp, như: Thực hiện mô hình trồng chuối tây dưới tán rừng để tạo sinh kế cho người dân ở xã Thượng Nung, với diện tích hơn 7ha; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, từ khi triển khai chính sách hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ tại ở các xã trong Khu Bảo tồn thì tình trạng người dân vi phạm lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng đã giảm hẳn… Với số tiền đã chi trả, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã hướng dẫn các tổ bảo vệ rừng sử dụng đúng mục đích chứ không chia ra cho từng tổ viên. Ví dụ, khi được nhận tiền, các tổ viên đã thống nhất dùng số tiền này để kéo đường điện dài hơn 800m lên khu Lân Xá (Nghinh Tường); tổ bảo vệ rừng ở xóm Xuyên Sơn, sử dụng tiền này để đóng góp xây dựng nhà văn hóa…
Việc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đẩy mạnh chính sách giao rừng đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội cho người dân ở vùng này còn thiếu, vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư để nâng cao đời sống cho người dân và có chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân thực sự hưởng lợi từ rừng. Từ đó, sẽ giảm bớt áp lực của người dân lên rừng…