Những “nữ thuyền trưởng” của khối kinh tế tập thể

07:49, 07/03/2017

Những người chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là các cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần nhiệt huyết cùng ý chí vươn lên, họ đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế tập thể, đạt được nhiều thành tích và trở thành tấm gương sáng để chị em học tập.

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, ở xóm Nam Tân, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là sự gần gũi, thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong ngôi nhà khang trang, chị Hảo kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng lập nghiệp tại chính nơi chị sinh ra và lớn lên: Hai vợ chồng tôi cưới nhau khi vừa học hết cấp 3, hoàn cảnh kinh tế hai bên đều rất khó khăn, tài sản duy nhất là mấy trăm mét vuông đất đồi cùng nghề làm chè do bố mẹ để lại. Ngày ngày, tôi đi hái chè rồi đem về tự tay chế biến để kịp cho chồng chở đi khắp nơi giao bán. Thú thực lúc đó tôi chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 2 con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình là may mắn lắm rồi.

 

Cuối năm 1999, tích lũy được một nguồn vốn nhỏ, chị Hảo quyết định đầu tư máy móc làm chè. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên số vốn ban đầu đã đem lại hiệu quả, khách hàng của chị ngày một đông, thị trường tiêu thụ lúc này đã vươn sang cả một số tỉnh lân cận. Cũng từ đây, chị Hảo phát hiện ra rằng, có nhiều phân khúc thị trường mà mình chưa đáp ứng hết, trong khi xưởng nhà chị chỉ có thể cho năng suất 4-5 tạ/tháng. Năm 2007, chị Hảo đã đứng ra vận động một số chị em cùng làm chè thành lập và tham gia Tổ hợp tác (THT) Chè Hảo Đạt  và năng suất chè của THT tăng gấp nhiều lần so với sản xuất đơn lẻ trước đó, đạt 15-17 tấn/tháng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế, THT còn là nơi các chị em trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về cuộc sống gia đình. Đến đầu năm 2017, THT Chè Hảo Đạt được nâng cấp lên thành HTX với 7 thành viên và 15 lao động thường xuyên.

 

Nhận xét về “nữ thuyền trưởng” của mình, chị Nguyễn Thị Quyên tự hào cho biết: Chị Hảo là người gần gũi, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc nên được mọi người tín nhiệm. Nhờ có chị mà đời sống các thành viên ngày càng được nâng cao. Ngoài điều hành tốt công việc của HTX, chị Hảo còn được nhiều người yêu mến vì luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và thiện nguyện tại địa phương. Chi hội Phụ nữ luôn đạt danh hiệu Chi hội xuất sắc kể từ khi chị làm Chi hội trưởng (năm 1990). Vừa qua, chị đã được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Tân Cương (nhiệm kỳ 2016-2021).

 

Cũng giữ vai trò quản lý HTX như chị Hảo, từ lâu, chị Ngô Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX vệ sinh môi trường Phú Cường, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã trở thành điểm tựa cho nhiều chị em trong HTX. Trước tình trạng rác thải vứt bừa bãi, ảnh hưởng nặng nề đến mỹ quan của thị trấn, năm 2000, chị Mai đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX với 17 thành viên, chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Nhiệm vụ chính của HTX là xử lý rác thải, vệ sinh môi trường theo hợp đồng đã ký kết với gần 800 hộ dân và cơ quan đóng trên địa bàn huyện. Không quản đường sá đi lại khó khăn, hàng tháng, chị cùng một số chị em trong HTX thay phiên nhau trực tiếp đến các hộ dân tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thị trấn. Nhờ hoạt động hiệu quả, năm 2015, HTX đã được UBND huyện Võ Nhai tin tưởng giao trách nhiệm quản lý lò đốt rác thải sinh hoạt với công suất xử lý đạt 15 tấn/ngày, đồng thời hỗ trợ 200 triệu đồng/năm để HTX hoạt động hiệu quả.

 

Đến khi dịch vụ vệ sinh môi trường dần ổn định, chị Mai vẫn còn nhiều trăn trở bởi thu nhập của người công nhân vệ sinh còn thấp, chưa đủ để trang trải cuộc sống cho chị em. Suy nghĩ đó đã thôi thúc chị quyết định bỏ tiền túi đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung (một loại gạch thân thiện với môi trường) để tạo thêm thu nhập và công việc cho thành viên. Các hoạt động này đã đem lại mức thu nhập bình quân ổn định 4-5 triệu đồng/tháng, người lao động được đóng bảo hiểm, các khoản phụ cấp độc hại, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ… Dù bận rộn với công việc, song chị Ngô Thị Mai vẫn không ngừng học tập, nâng cao kiến thức. Hiện nay, chị đang theo học Đại học Kinh tế - chuyên ngành Quản lý kinh tế, học Trung cấp lý luận chính trị, đồng thời, tích cực tham gia công tác Đảng, đoàn thể tại địa phương. Ghi nhận những đóng góp của HTX trong sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường của địa phương, tỉnh và huyện Võ Nhai đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho HTX. Cá nhân chị Mai vinh dự là một trong hai phụ nữ tiêu biểu của tỉnh được nhận Bằng khen tại Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi năm 2012-2013…

 

Không chỉ có chị Hảo, chị Mai, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã liên tục vươn lên và phát triển nhờ sự đóng góp tích cực về trí tuệ, sức lực của hàng nghìn cán bộ HTX, trong đó có nhiều phụ nữ như: chị Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) - là một trong số mười nữ cán bộ HTX tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014; chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Chè Tuyết Hương, xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) với những sáng kiến hay trong thay đổi mẫu mã, thiết kế bao bì sản phẩm đẹp mắt, thân thiện với môi trường đã đưa thương hiệu chè Trại Cài đến gần hơn với khách hàng trong nước và khách du lịch nước ngoài; chị Phạm Thị Tươi, Phó Chủ tịch HTX Khai thác và sản xuất vật liệu Quyết Thắng,  xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên)…

 

Trải qua gần 10 năm làm công tác quản lý trong lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn, chị Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Khi tham gia hoạt động trong khu vực kinh tế tập thể, nhất là lại làm công tác quản lý thì không phải chị em nào cũng đủ sức gánh vác. Tuy nhiên, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh đã liên tục đón nhận những thành viên mới, trong đó có sự đóng góp tích cực của chị em trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều chị em bên cạnh làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và trách nhiệm để quản lý, điều hành tốt HTX, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động. Đây là một kết quả đáng ghi nhận và cần được biểu dương, nhân rộng trong xã hội nói chung, kinh tế tập thể nói riêng.